Quản lý tổng hợp vùng ven biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200 km, với 2.773 đảo, nguồn tài nguyên thiên nhiên biển phong phú. Thủy sản mà chủ yếu là khai thác biển và nuôi trồng ven biển đã cho kim ngạch xuất khẩu mỗi năm nhiều tỷ đô la Mỹ. Thế nhưng, tiềm năng kinh tế ven biển thực tế mới được khai thác một phần nhỏ và vùng ven biển nước ta nhìn chung còn kém phát triển. Cả nước đến nay vẫn có 157 xã ven biển chưa thoát nghèo.

Trong lúc đó, tài nguyên ven biển lại đang bị suy thoái. Các hệ sinh thái biển, hệ sinh thái ven bờ bao gồm các rạn san hô, cỏ biển và rừng ngập mặn đang bị xâm hại nghiêm trọng, thậm chí tàn phá. Những tác động ấy cùng với biến đổi khí hậu làm nước biển dâng đang là mối đe dọa đối với ngành thủy sản.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là cần có tư duy mới về kinh tế ven biển. Chẳng hạn, hoạt động nuôi trồng phải thích ứng với biến đổi khí hậu và không làm xấu thêm môi trường ven biển. Việc bảo vệ, khôi phục các hệ sinh thái quan trọng như vùng ngập mặn ven biển phải được chú trọng. Tựu trung là cân bằng giữa nhu cầu sinh kế của người dân với bảo vệ môi trường.

Để thực hiện, cần các chương trình tín dụng nhỏ để hỗ trợ các hoạt động tạo thu nhập thay thế ở địa phương. Giới thiệu các nguyên tắc để thay đổi hành vi từ người quản lý tới người dân kiếm sống, bằng các kế hoạch phối hợp có hiệu quả. Và cả xây dựng năng lực thể chế về quản lý môi trường biển ở Tổng cục Thủy sản.

Công việc to lớn và lâu dài nhưng đáng mừng là nhiều địa phương đã nhận ra yêu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế ven biển, nhiều dự án đã và đang được triển khai. Chẳng hạn dự án thí điểm bảo tồn biển Hòn Mun (Khánh Hòa); bảo tồn hệ sinh thái biển ở bốn xã thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Khánh Hòa và thành phố Hải Phòng; tăng cường năng lực quản lý vùng ven biển tổng hợp tại Vùng Tây Bắc Vịnh Bắc bộ; quản lý tổng hợp vùng ven biển ở các tỉnh ĐBSCL.

Quản lý tổng hợp vùng ven biển, tương phản với cách quản lý theo ngành trước đây, là cách quản lý liên ngành, đa lĩnh vực, trong đó các khu vực đất và nước ven biển được quản lý như một đơn vị tổng hợp. Đây là khái niệm mới, được nhiều nước công nhận là công cụ hiệu quả nhất để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ven biển. Công cụ quản lý này càng quan trọng với những vùng ven biển Việt Nam, đặc biệt là ĐBSCL để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quản lý tổng hợp vùng ven biển, có Dự án Hợp tác kỹ thuật Việt – Đức đang được thực hiện tại tỉnh Sóc Trăng. Dự án chú trọng đến sự phối hợp của các cấp chính quyền, từ tỉnh đến xã, xuống tận ấp, trong đó sự tham gia của các bên liên quan được coi là một điều kiện tiên quyết cho thành công. Hy vọng từ dự án này cũng như các dự án khác, cách tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý vùng ven biển được đổi mới và qua đó, kinh tế thủy sản càng phát triển bền vững.       

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!