(TSVN) – “Nuôi tôm là nuôi nước”, vì vậy, việc duy trì các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong ao ở ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng, phát triển là yếu tố quan trọng mang lại thành công vụ nuôi.
Tất cả các sinh vật đặc biệt là con tôm (là động vật đẳng nhiệt) chịu tác động trực tiếp của các yếu tố môi trường sống. Các yếu tố môi trường bao gồm: nhiệt độ, pH, O2, CO3, NH3, NO2, kim loại nặng,… Nếu môi trường sống thuận lợi thì giúp tôm phát triển bình thường và hạn chế được các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên nếu môi trường sống gặp bất lợi, các yếu tố môi trường biến động, vượt ngưỡng sống thích hợp thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển về số lượng và độc lực, làm giảm sức đề kháng làm tôm dễ mắc bệnh, gây hại cho con tôm.
Kiểm soát tốt môi trường ao nuôi giúp tôm phát triển tốt, khỏe mạnh. Ảnh: Tép Bạc
pH là yếu tố dễ biến động, chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiệt độ và mật độ tảo trong môi trường ao nuôi. Đặc biệt là sau những trận mưa lớn, hay những lúc nắng gắt nhiệt độ cao. Vì vậy trong nuôi tôm cần kiểm tra chỉ số pH 2 lần/ngày. Buổi sáng trước 7 giờ và buổi chiều lúc 13 giờ bằng các bộ test hoặc bằng quỳ tím. Kiểm soát yếu tố pH trong ngưỡng từ 7,5 – 8,5.
Nếu pH thấp, cần sử dụng vôi CaCO3 đánh xuống ao với liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m3 tùy giá trị pH đo được. Trong quy trình nuôi ao đất với những ngày mưa lớn cần rải vôi CaO quanh bờ giúp trung hòa axit trong đất bị rửa trôi xuống ao tránh tụt pH đột ngột.
Nếu pH cao cần xác định mật độ tảo để điều chỉnh hợp lý bằng thay nước hoặc cắt tảo. Dùng mật rỉ đường với liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3. Sử dụng chế phẩm sinh học (men vi sinh) ủ sục khí rồi đánh xuống ao nhằm ổn định môi trường, tăng lợi khuẩn trong môi trường nước, giảm pH trong ao nuôi.
Độ kiềm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lột xác và làm cứng vỏ tôm. Quá trình nuôi sẽ làm giảm hàm lượng canxi-magie trong ao. Vì vậy trong quá trình nuôi cần sử dụng định kỳ vôi CaCO3 để ổn định độ kiềm với liều lượng 7 – 10 kg/1.000 m3. Chỉ số kiềm phù hợp trong ao nuôi tôm là từ 120 – 180 mg/L đối với ao bạt và 100 – 150 mg/L đối với ao đất.
Ban đêm thường nhiệt độ nước ao thấp hơn ban ngày. Nhiệt độ thấp làm H2S độc hơn với tôm. Khi nhiệt độ giảm, tôm yếu có xu thế chuyển vào vùng bùn, tiếp xúc với khí độc và vi khuẩn gây bệnh. Tôm phản ứng với nhiệt độ thấp sẽ hoạt động ít hơn. Khi nhiệt độ giảm 10C trao đổi chất của tôm sẽ giảm khoảng 10%.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của thay đổi nhiệt độ, người nuôi phải chạy sục khí nhằm ngăn sự phân tầng nhiệt trong ao và giữ đáy ao sạch có ít chất hữu cơ bằng chế độ cho ăn hợp lý. Sử dụng lưới lan để che nắng giúp điều tiết nhiệt độ trong mùa nắng nóng. Vào mùa lạnh sử dụng mực nước ao sâu để giảm tác động của thời tiết mưa lạnh.
Ôxy là yếu tố đặc biệt quan trọng trong nuôi tôm. Hàm lượng ôxy phụ thuộc vào mật độ con nuôi, mật độ tảo và thời tiết trong ngày. Vì vậy cần xác định được mật độ nuôi để bố trí hệ thống sục khí, hệ thống quạt hợp lý để đảm bảo ôxy trong suốt quá trình nuôi. Thời điểm ôxy biến động vượt ngưỡng bất thường cần xác định nguyên nhân để kịp thời xử lý hiệu quả.
Vào buổi sáng do ảnh hưởng của quá trình hô hấp ở tôm và quang hợp của tảo nên thường hàm lượng ôxy lúc này thấp. Cần tiến hành đo ngày 2 lần. Ngoài ra, cứ 2 lần/tuần tiến hành đo vào lúc 2 – 3 giờ sáng.
Ammoniac – NH3 được tạo thành trong nước do sự phân giải các chất hữu cơ trong nước. Sự tồn tại NH3 và NH4+ trong nước phụ thuộc vào nhiệt độ, pH và độ mặn của nước. Nước có pH càng cao thì khả năng gây độc của NH3 càng mạnh. Nồng độ NH3 giới hạn an toàn trong ao nuôi nhỏ hơn 0,03 mg/L. Hàm lượng NH3 đạt đến 0,1 mg/L nước được coi là vùng nước bị ô nhiễm.
Vì vậy, khi NH3 lên cao cần thay nước với nguồn nước có chất lượng tốt nhằm giảm mật độ của tảo và các chất thối rữa trong nước. Cải tạo ao tốt trước khi nuôi thả. Giảm thiểu chất thải ở đáy ao, không cho thức ăn quá dư thừa hoặc bón phân quá liều lượng, kiểm soát sự phát triển của tảo, duy trì ổn định độ trong. Ao nuôi cần thoáng khí, muốn vậy nên phát quang bờ bụi xung quanh ao, thu vớt cỏ rác rau bèo che phủ mặt ao. Dùng máy sục khí hoặc máy quạt nước. Sử dụng hóa chất tăng ôxy. Định kỳ bón vôi ổn định hệ đệm trong ao. Kiểm soát sự phát triển của tảo. Bón phân vi sinh cũng có tác dụng làm giảm hàm lượng NH3 trong ao. Duy trì sự phát triển của tảo, ao có tảo phát triển tốt sẽ làm cho hàm lượng NH3 thấp.
– Độ mặn giữ vai trò quan trọng trong trong việc điều hòa áp suất thẩm thấu giữa nguyên sinh chất của tôm và môi trường. Vì vậy, lựa chọn khu vực nuôi có độ mặn thích hợp cho đối tượng nuôi. Vào những ngày mưa lớn cần xả bớt nước mặt và cấp bù nước biển nhằm giữ độ mặn thích hợp. Nếu độ mặn xuống thấp, chủ động sử dụng nước ngọt để giảm độ mặn xuống ngưỡng thích hợp cho tôm phát triển. Ngoài ra khi độ mặn cao, độ cứng cao kéo dài thời gian lột xác của tôm làm tôm chậm lớn. Do đó, phải tiến hành thay nước mới và bổ sung khoáng chất kích thích tôm lột vỏ.
– Sau khoảng thời gian hơn 2 tháng nuôi, mật độ tảo trong ao thường phát triển mạnh. Nguyên nhân chủ yếu thường do thức ăn dư thừa, và chất thải trong ao nuôi không được xi phông sạch. Với những ngày nắng nóng, mật độ tảo phát triển mạnh vào buổi trưa, chỉ số pH biến động trong ngày cao (> 0,5 sáng, chiều) ảnh hưởng đến sức khỏe của con tôm. Vì vậy cần kiểm soát chất thải hợp lý, tăng cường xi phông để giảm bớt chất thải; cấp bù nước hoặc thay nước giảm mật độ tảo trong ao. Sử dụng men vi sinh để cắt tảo trong nước, liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Sức khỏe của tôm cũng là một yếu tố cho thấy các chỉ số môi trường trong nước ao nuôi có biến động hay không. Vì vậy cần kiểm soát tốt lượng thức ăn và sức ăn của tôm trong từng cữ, đặc biệt là cữ sáng và chiều. Tăng cường sức đề kháng cho tôm trong giai đoạn thời tiết bất lợi bằng việc bổ sung Vitamin C, khoáng, men vi sinh đường ruột,… để tăng khả năng chống chịu cho tôm.
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị