Quan trọng là phải kiểm soát thực hiện quy hoạch

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành thủy sản đã có quy hoạch chung trong phát triển, nhưng mỗi đối tượng lại có quy hoạch riêng. Vậy việc triển khai này có gây chồng chéo và hiệu quả phát huy có như mong đợi không? Để hiểu rõ hơn về điều này, Thủy sản Việt Nam có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN&PTNT) (ảnh).

viện kinh tế và quy hoạch thủy sản

Ngành thủy sản đã và đang triển khai nhiều quy hoạch các loài nuôi, vùng nuôi. Mục đích của chương trình này là gì, thưa ông?

nguyễn thanh tùng viện trưởng viện kinh tế quy hoạch thủy sảnNgành thủy sản đã và đang triển khai rất nhiều quy hoạch, nhằm triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, sau đó là cụ thể hóa đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Qua đó, xác định các đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), cá tra, nhuyễn thể, cá rô phi… Đây là các đối tượng nuôi mà định hướng của Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản cần các quy hoạch chi tiết riêng mỗi loài. Tổng cục Thủy sản đang thực hiện “Quy hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng 2030”, đã hoàn tất hồ sơ, đang trình Bộ Kế hoạch – Đầu tư thẩm định, sau đó trình Bộ NN&PTNT phê duyệt.

Quy hoạch phát triển cá nước lạnh Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030 đã được Bộ trưởng phê duyệt và được công bố tại hội nghị “Công bố quy hoạch và bàn giải pháp phát triến cá nước lạnh” tổ chức tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ngày 23/10/2015. Các quy hoạch khác đang thực hiện, dự kiến được phê duyệt trong năm 2015 như: Quy hoạch phát triển cá rô phi, nhuyễn thể, tôm hùm; Quy hoạch thủy sản phát triển nuôi trồng thủy sản miền Trung đến năm 2020, định hướng 2030 (phạm vi quy hoạch từ Thừa Thiên – Huế tới Bình Thuận). Quy hoạch được phê duyệt sẽ là cơ sở cho địa phương rà soát lại các quy hoạch trên địa bàn nhằm chỉ đạo, điều hành sản xuất có hiệu quả và phát triển bền vững ngành thủy sản thời kỳ hội nhập hiện nay. 

 

Vì sao quy hoạch thường hướng đến dài hạn (đến năm 2020, tầm nhìn 2030) mà không phải ngắn hạn?

Quy hoạch, định hướng là dài hạn, từ 10 đến 20 năm hay hơn nữa. Trên cơ sở quy hoạch, định hướng, sẽ cụ thể hóa thông qua lộ trình thực hiện, lập kế hoạch cho 5 năm và các năm tiếp theo. Trong bản quy hoạch đều xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư. Dựa vào đó nhà nước và địa phương có lộ trình thực hiện: đầu tư hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi… Và sau 5 năm, phần lớn các quy hoạch sẽ được rà soát, điều chỉnh để phù hợp thực tiễn sản xuất.

 

Việc đưa quy hoạch vào thực tế có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Nhiều khó khăn, trở ngại. Đầu tiên là do vấn đề thị trường, nhất là khi một đối tượng nuôi nào có giá cao thì người dân không ngần ngại phá vỡ quy hoạch. Ví dụ: tôm thẻ chân trắng các năm 2013 – 2014, khi nhu cầu cao, giá bán cao, người dân nhiều tỉnh như Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu… “vượt rào” thả nuôi rầm rộ. Kể cả với con cá tra, hiện ở nhiều địa phương người dân vẫn nuôi ngoài vùng quy hoạch, như tại tỉnh Đồng Tháp, họ nuôi ở những vùng sâu, vùng xa như huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông. Các vùng đó điều kiện nuôi rất thiếu thốn, nhất là nguồn nước… nên dễ thất bại và kéo theo nhiều hệ lụy khác về môi trường chất lượng sản phẩm . Đây là điều đáng suy nghĩ với nhà nước và các địa phương trong việc thực hiện và kiểm soát quy hoạch.

Để khắc phục những tồn tại này, nhất thiết các quy hoạch phải được công bố cho người dân biết và thực hiện, nhằm có lựa chọn tối ưu tại các vùng nuôi đã được xác định. Tỉnh Bến Tre những năm trước, sau khi phê duyệt, địa phương đã vẽ bản đồ quy hoạch đặt trên những trục đường lớn trong tỉnh để người dân biết. Đây là điển hình của việc công bố quy hoạch đến tận người dân.

 

Quy hoạch đối tượng thủy sản nào khó triển khai nhất, thưa ông?

Tất cả quy hoạch gần như thuận lợi, chỉ là nhà nước và địa phương phải làm sao kiểm soát việc thực hiện. Các quy hoạch chi tiết cần công bố đến tận xóm, ấp, để khi đối tượng nuôi nào đột xuất có thị trường tốt thì người dân sẽ không vì thế phá vỡ quy hoạch, sẵn sàng chặt phá đối tượng nuôi khác để chuyển đổi. Tránh tình trạng như đã xảy ra với con tôm thẻ chân trắng, khi thị trường “nóng” lên, người dân liền phá vườn dừa, vườn mía đào ao thả nuôi, thậm chí nuôi trong vùng nước ngọt, dẫn đến việc phá vỡ vùng sinh thái nước ngọt.

Chưa kể, không ít người dân cố tình phớt lờ quy hoạch, đến khi thất bại thì lại phản ứng cho rằng nhà nước quy hoạch không đúng hướng. Nhưng với tư cách nhà quản lý, tham gia quy hoạch, tôi khẳng định, việc thực hiện phải kiên quyết;, người làm quy hoạch phải có bản lĩnh, không mắc hội chứng đám đông, mà cần phải dựa vào cơ sở khoa học, thực tiễn, chọn những vùng tối ưu nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản cho tương lai.

 

Đánh giá của ông về những quy hoạch đã và đang thực hiện?

Phần lớn các quy hoạch đi vào thực tiễn. Ví dụ, Quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020 có hiệu quả. 10 tỉnh, thành nuôi cá tra trong vùng được quy hoạch cụ thể và thực hiện sát sao. Sản phẩm cá tra cần nhiều điều kiện về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng nuôi, ao nuôi… mới đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu. Còn quy hoạch chi tiết các đối tượng khác đang chờ thẩm định và phê duyệt trong năm 2015.

Một điều đáng mừng là đến nay tất cả các quy hoạch đều được phê duyệt và thực hiện, không quy hoạch nào bị đổ vỡ, chỉ có bị chậm trễ do khâu thẩm định vì cần nhiều thời gian của các cơ quan quản lý, trước khi trình Bộ phê duyệt để có hiệu lực pháp lý.

Thu Hồng (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!