Thông tin tìm ra tác nhân gây Hội chứng tôm chết sớm (EMS) đang tạo ấn tượng mạnh trong lĩnh vực thủy sản. TSVN đã có cuộc trao đổi với ThS Phạm Văn Tình (ảnh), nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chuyên gia ngành thủy sản xung quanh vấn đề này.
Việc nhà khoa học Mỹ tìm ra nguyên nhân gây EMS được đánh giá là bước đột phá trong công tác nghiên cứu dịch bệnh trên tôm, ý kiến của ông về vấn đề này?
Những năm qua, người nuôi tôm Việt Nam và nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… đã chịu ảnh hưởng nặng nề về dịch bệnh, các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu; tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa thực sự có dấu hiệu khởi sắc, tình trạng tôm chết vẫn diễn biến phức tạp và quy mô rộng hơn. Việc tìm ra nguyên nhân gây EMS, một trong những ẩn họa lớn của ngành tôm thời gian qua, là tín hiệu đáng mừng trong quá trình nghiên cứu dịch bệnh trên tôm nuôi. Trong nuôi tôm sú và TTCT hiện nay bệnh chủ yếu gây chết nhiều là đốm trắng, đầu vàng; đốm trắng đỏ thân; hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính. Trong đó, hai dạng gây chết là đốm trắng đầu vàng và đốm trắng đỏ thân đã biết nguyên nhân gây bệnh. Nay nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Lighter cùng các cộng sự ở Trường Đại học Arizona (Mỹ) đã xác định được tác nhân gây bệnh: “Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (EMS) là chủng vi khuẩn khá phổ biến Vibrio parahaemolyticus, bị nhiễm bởi loại virus được biết đến như một thể thực khuẩn, khiến nó tạo ra một độc tố cực mạnh phá hủy mô, gây rối loạn các cơ quan tiêu hóa của tôm, gây chết nhiều trong 30 ngày nuôi. Đây là một tin tốt cho người nuôi; biết rõ nguyên nhân gây bệnh, từ đó tìm ra phương pháp phòng bệnh tốt và hợp lý nhất.
Từ kết quả nghiên cứu này, cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là gì, thưa ông?
Tìm ra nguyên nhân gây bệnh tôm giúp người nuôi phòng và trị bệnh hợp lý – Ảnh: Phan Thanh Cường
Dựa trên kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, để phòng ngừa dịch bệnh và đưa ra được những khuyến cáo phù hợp, có hiệu quả với người nuôi tôm hiện nay là rất cần thiết. Theo đó, thứ nhất, cần kiểm tra kỹ nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu, đảm bảo không mang mầm bệnh. Thứ hai, trong sản xuất giống cần tăng cường sức đề kháng bệnh cho tôm như: cho tôm giống ăn đủ lượng và chất, trong đó cần quan tâm tới:
– Sử dụng tảo nuôi sinh khối (tảo Chaetoceros có hàm lượng HUFA rất cao 16%) cho ăn chủ lực trong giai đoạn Zoea và phụ trong các giai đoạn sau cho đến PL 5.
– Artemia cần sử dụng tối thiểu 3 kg/triệu PL12, lựa chọn loại Artemia có hàm lượng HUFA cao càng tốt.
– Sử dụng vi sinh trong sản xuất giống, tốt nhất là không sử dụng kháng sinh, vì sẽ làm giảm sức đề kháng bệnh.
Về vấn đề con giống, hiện chất lượng nguồn giống vẫn rất hạn chế, người nuôi cần phải làm gì, thưa ông?
Giống là nhân tố quan trọng, quyết định lớn tới thành công của vụ nuôi. Con giống khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, khi đưa vào thả nuôi sẽ tăng trưởng nhanh, hạn chế bệnh tật, cho kết quả nuôi tốt, tạo nguồn tôm thương phẩm chất lượng. Tuy nhiên, khâu sản xuất giống còn nhiều bất cập, có rất nhiều trại sản xuất giống nhưng rất ít trong số đó áp dụng nghiêm quy trình sản xuất con giống sạch bệnh; mặt khác, người nuôi mới chỉ chú trọng số lượng mà chưa đảm bảo được chất lượng. Lượng con giống trôi nổi không được kiểm dịch còn nhiều. Do vậy, người nuôi cần thận trọng hơn, trong điều kiện nuôi trồng ngày càng khó khăn bởi tình hình dịch bệnh và những bất lợi từ điều kiện môi trường nuôi, yếu tố con giống cần được quan tâm hàng đầu, người dân nên lựa chọn con giống sạch bệnh tại những cơ sở uy tín.
Còn đối với các hộ nuôi thương phẩm, ông có khuyến cáo gì?
Trong nuôi tôm thịt, người nuôi cần chú trọng khâu xử lý nước trước khi thả nuôi, nhất thiết phải có ao lắng để xử lý nước nhằm loại bỏ các ký chủ trung gian và mầm bệnh. Trước khi cấp nước vào, ao cần được xử lý đáy để loại bỏ mầm bệnh, đảm bảo hoàn toàn sạch bệnh. Đồng thời, tiến hành gây màu nước trước khi thả giống. Điều quan trọng là không được sử dụng các chất diệt tạp, hóa chất cấm hoặc có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật để xử lý môi trường ao nuôi.