Quảng Bình: Hiệu quả bước đầu từ các mô hình điểm thực hiện Đề án 52

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có 34 xã, thị trấn, nhưng có đến 16 xã vùng biển và ven biển, chiếm 50,2% dân số cả huyện. Mặc dù quy mô dân số chưa cao, nhưng thực trạng chất lượng dân số ở khu vực này còn nhiều hạn chế so với các xã, thị trấn khác trên toàn huyện. Năm 2009, huyện Quảng Trạch đã chọn 6/16 xã vùng biển và ven biển thực hiện Đề án 52, bước đầu góp phần kiểm soát quy mô và chất lượng dân số.

Thực trạng dân số vùng biển và ven biển

So với các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Trạch là địa phương có số xã vùng biển và khu vực ven biển nhiều nhất tỉnh. Những năm trở lại đây, tuy đời sống vật chất, tinh thần của đa số ngư dân các xã vùng biển và ven biển ở Quảng Trạch từng bước được nâng lên đáng kể, nhưng nhìn chung chất lượng dân số vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tăng dân số hàng năm còn khá cao. Do chất lượng khám chữa bệnh tại một số trạm y tế xã còn hạn chế, phụ nữ chuẩn bị kết hôn hoặc trước khi sinh không được khám và tư vấn kịp thời để ngăn ngừa những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai và chất lượng bào thai, ý thức CSSKSS của người dân chưa cao, nên hàng năm, ở nhiều xã vùng biển, ven biển ở Quảng Trạch, tỷ suất mẹ chết, mang thai ngoài ý muốn, tỷ lệ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục còn cao… Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng trí tuệ cao hơn so với các vùng khác. Đồng thời, nhiều trẻ sơ sinh chưa được phát hiện và can thiệp điều trị sớm các bệnh lý về chuyển hoá, di truyền. Cùng với đó, cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ ở một số xã còn thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu, thiếu tính bền vững, một số trạm y tế xã chưa có bác sỹ…

Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu của những thực trạng, hạn chế trên là do đặc thù của nghề đi biển và lao động ngư nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường lao động có độ ẩm cao và môi trường có nguy cơ ô nhiễm lớn. Số lượng lao động liên quan đến các hoạt động kinh tế biển còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các hoạt động CSSK nói chung và CSSKSS nói riêng…

Phụ nữ ngày càng được quan tâm hơn nhờ Đề án 52

               

Hiệu quả bước đầu từ các mô hình điểm     

Để chuẩn bị cho việc triển khai sâu rộng Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển ở tất cả 16/16 xã vùng biển, ven biển, năm 2009, huyện Quảng Trạch đã chọn 5 xã là Quảng Phúc, Quảng Xuân, Quảng Hưng, Quảng Đông và Cảnh Dương để làm mô hình điểm, rút kinh nghiệm.

Thực hiện các mô hình điểm thực hiện Đề án 52, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Quảng Trạch và cấp ủy, chính quyền địa phương 5 xã thực hiện mô hình điểm đã kịp thời phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung, yêu cầu của Đề án.

Do đặc thù lao động vùng biển, ven biển thường thực hiện các công việc lao động vào buổi ngày và đều vắng nhà, nên Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, đội ngũ cán bộ dân số chuyên trách và cộng tác viên dân số các xã đã phân công nhiều chị em có kinh nghiệm, có tâm huyết trong công tác vận động phụ nữ tranh thủ những thời gian thích hợp như vào buổi chiều tối, hay trong các dịp lễ để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động chị em chấp hành các chính sách DS-KHHGĐ. Đồng thời kết hợp với các công tác viên dân số tiến hành tư vấn tại nhà việc thực hiện các biện phát tránh thai an toàn, nên càng ngày ý thức, hiểu biết của đa số chị em phụ nữ ở đây về công tác DS-KHHGĐ được nâng lên đáng kể… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng nam giới trong độ tuổi sinh đẻ cũng được quan tâm đúng mức. Không chỉ tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, đội ngũ cán bộ dân số, cộng tác viên dân số còn lồng ghép việc trao đổi tâm tư, tình cảm, đời sống gia đình, kinh nghiệm nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, kinh nghiệm CSSKSS, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nên hiệu quả công tác truyền thông bước đầu thu được nhiều kết quả. Đối với các xã thực hiện mô hình điểm, qua thời gian thực hiện Đề án, tỷ lệ tăng dân số nói chung và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đã giảm đáng kể so với trước khi chưa thực hiện Đề án…

Với những kết quả bước đầu đã đạt được sau khi triển khai thực hiện mô hình điểm ở 5 xã vùng biển, ven biển, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển ở tất cả 16/16 xã vùng biển, ven biển tại Quảng Trạch sẽ thu được nhiều kết quả quan trọng hơn nữa.

>> Qua 1 năm thực hiện Đề án 52, toàn huyện Quảng Trạch đã vận động được trên 280 ca đặt dụng cụ tử cung; khám sức khỏe cho thanh niên nam, nữ tiền kết hôn trên 200 ca; trên 2.300 người được khám phụ khoa; điều trị phụ khoa cho 1.322; xét nghiệm viêm gan B cho 388 người; xét nghiệm yếu tố RH cho 428 ca; khám thai định kỳ 350 người…

 

Trương Văn Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!