Quảng Bình: Nhiều giải pháp hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Rác thải nhựa đang trở thành mối nguy lớn cho môi trường biển bởi số lượng lớn, khó phân hủy và khả năng di chuyển xa. Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng này.

Từ vùng ven bờ

Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều biện pháp thu gom, xử lý rác thải nhựa. Đáng chú ý, là việc hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động. Những hoạt động thiết thực của chương trình “Hãy làm sạch biển – Tử tế với đại dương” và cuộc thi “Thiết kế vật dụng tái chế”… Hay như Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) đã đưa ra sáng kiến “Biến rác thành tiền” và xây dựng công trình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ”, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tạo công ăn việc làm cho hội viên, phụ nữ và gây quỹ tình thương giúp trẻ mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây cũng là mô hình thiết thực hưởng ứng Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” và “Mẹ đỡ đầu”.

Sau 3 tháng triển khai, từ những thứ như lưới hỏng, lưới rách mang từ khơi về, chị em đã đan thành trên 500 sản phẩm túi lưới đựng thực phẩm đi chợ, túi đựng rác thải nhựa phát cho các chủ tàu biển. Từ sáng kiến “Biến rác thành tiền” đã thu được 25 triệu đồng để thăm, tặng 29 suất quà cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngư dân gặp nạn trên biển; nhận đỡ đầu một trẻ mồ côi trong thời gian ba năm.

Cần nâng cao nhận thức của ngư dân về quản lý rác thải nhựa biển. Ảnh: Minh Phương

Đến tàu cá khai thác xa

Sở NN&PTNT Quảng Bình cùng Công đoàn ngành tích cực tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia mô hình “Thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ”. Chương trình này nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngư dân xả rác thải trực tiếp ra biển, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Theo bà Trần Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT, bước đầu mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân về việc bảo vệ môi trường khi tham gia đánh bắt trên biển, qua đó, hạn chế tối đa việc xả rác thải trực tiếp ra biển. Từ mô hình “Thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ” ban đầu ở xã Cảnh Dương, Công đoàn ngành NN&PTNT đã nhân rộng ra các địa phương khác. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã có trên 500 tàu cá của các xã Đức Trạch, Hải Trạch (Bố Trạch), Quảng Văn, Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn) tham gia mô hình.

Là địa phương được chọn làm điểm triển khai mô hình “Thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ”; ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch cho biết, tổ trưởng các tổ đoàn kết, tổ hợp tác sản xuất trên biển, tổ biển xa… có uy tín trong cộng đồng được chọn làm nòng cốt, tiên phong thực mô hình. Ông Quang tin tưởng, mô hình này sẽ lan tỏa rộng hơn, trở thành ý thức, trách nhiệm trong cộng đồng ngư dân bảo vệ môi trường biển.

Ông Hoàng Viết Thông, Phó Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho biết, năm 2022, phấn đấu có 100% tàu cá đánh bắt xa bờ tham gia mô hình thu gom rác thải nhựa sau mỗi chuyến vươn khơi. Nếu tất cả các tàu cá trên địa bàn tham gia mô hình này sẽ thu gom số lượng rác thải rất lớn, có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tấn rác thải mỗi năm.

Anh Dũng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!