Từ năm 2023 đến nay, từ nguồn kinh phí khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đã triển khai dự án xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Dự án đã góp phần mở ra hướng nuôi mới có hiệu quả cho người nuôi tôm trên địa bàn, thay đổi nhận thức của người dân trong việc phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững
Sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tôm, ông Đàm Văn Thuyên, xã Quảng Châu (Quảng Trạch) đã thay đổi nhiều phương pháp nuôi, tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên tôm thường bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng. Năm 2023, khi Trung tâm KN-KN tỉnh triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt, ông Đàm Văn Thuyên đã đăng ký tham gia mô hình để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm sản xuất.
Ông Thuyên cho biết, mô hình được chia làm 2 giai đoạn, gồm: Giai đoạn ương dèo với mật độ 1.500 con/m2 và giai đoạn thương phẩm mật độ 135 con/m2. Sự phân chia giai đoạn khác hẳn với nuôi truyền thống, giúp kiểm soát được mật độ nuôi, sinh trưởng phát triển từng giai đoạn của tôm, giảm tỷ lệ hao hụt ở giai đoạn sau. Nhờ được tập huấn kỹ thuật nên tiến độ nuôi bảo đảm quy trình, sau 100 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ trung bình 59 con/kg, tỷ lệ sống đạt trên 80%. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, gia đình ông tiếp tục chăm sóc đến cỡ 35-40 con/kg.
Cũng như xã Quảng Châu, xã Hạ Trạch (Bố Trạch) vốn là địa phương có truyền thống nuôi tôm, tuy nhiên hiện nay, nhiều hộ nuôi đã bỏ hồ vì dịch bệnh diễn ra thường xuyên, không ít hộ “trắng tay” vì tôm. Năm 2024, Trung tâm KN-KN tỉnh nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt tại hộ ông Lê Chiêu Quân (Hạ Trạch) với diện tích 0,6ha với mong muốn thông qua mô hình này, nhiều hộ dân tại địa phương sẽ mạnh dạn học tập, thực hiện để phát triển lại nghề nuôi tôm của xã.
Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt tại hộ ông Lê Chiêu Quân (xã Hạ Trạch, Bố Trạch) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lê Chiêu Quân cho biết: Ngay khi bắt đầu vào thực hiện, trung tâm đã cử cán bộ xuống hướng dẫn xử lý ao hồ trước khi thả tôm, lựa chọn con giống phù hợp, hướng dẫn cách chăm sóc tôm theo từng giai đoạn, kỹ thuật san tôm, đặc biệt là ghi chép nhật ký. Vì thế, từ lúc thả giống đến khi thu hoạch, tôm sinh trưởng tốt, không bị dịch bệnh, năng suất đạt cao hơn so với cách nuôi truyền thống như trước.
Sau 2 năm thực hiện dự án, đến nay có thể khẳng định mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao lót bạt phù hợp với các ao nuôi lâu năm kém hiệu quả. Hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn đã góp phần hạn chế được dịch bệnh và nâng cao năng suất, chất lượng tôm, kiểm soát tốt môi trường cũng như mật độ tôm trong quá trình nuôi.
Điểm khác biệt của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn so với nuôi tôm truyền thống là luôn phải bảo đảm sản xuất theo quy trình an toàn, yêu cầu hộ nuôi kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào như nguồn nước, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sản phẩm từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn luôn có truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua nhật ký ao nuôi nên phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Cùng với đó, mô hình nuôi luôn kiểm soát tốt được các yếu tố môi trường, như: Nhiệt độ, độ mặn, pH, DO… giúp bảo đảm sức khỏe và sự sinh trưởng, phát triển của tôm.
Được biết, mô hình đã được nhiều hộ nuôi trong vùng, các vùng lân cận quan tâm tham quan học hỏi và áp dụng vào sản xuất. Đến nay, đã có hơn 70% hộ nuôi tôm đã chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn, tập trung tại các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Quảng Trạch… Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi đã áp dụng nuôi dưới các hình thức nuôi chuyên canh, nuôi kết hợp với cá mang lại hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết: Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đã làm thay đổi tư duy sản xuất cho người dân trong việc mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, việc áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc và hóa chất là điều kiện quan trọng để hướng tới xây dựng sản phẩm tôm thẻ chân trắng an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình sản xuất áp dụng theo VietGAP đã hướng người nuôi đến xu hướng tất yếu của sản xuất trong thời kỳ mới hiện nay là có trách nhiệm với cộng đồng, thân thiện môi trường, tạo năng suất cao, phát triển bền vững. Hiện, Quảng Bình đã tiến hành rà soát và xây dựng kế hoạch phát triển ngành tôm đến năm 2025, trong đó định hướng phát triển, nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với đặc điểm từng vùng, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao…
Dự án xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn triển khai với quy mô 2,7ha (năm 2023:1,4ha, năm 2024:1,3ha) với 5 hộ tham gia. Theo đánh giá bước đầu, mô hình cho năng suất cao hơn 15% so với nuôi tôm truyền thống, các chỉ số yêu cầu kỹ thuật đều đạt, trong đó, tỷ lệ sống giai đoạn 1 đạt từ 91-94% (kế hoạch 90%); năng suất bình quân đạt khoảng 17-18 tấn/ha (kế hoạch 12 tấn/ha).
Thanh Hoa
Nguồn: Báo Quảng Bình