Trước năm 2003 – giai đoạn Luật Hợp tác xã bắt đầu đi sâu vào cuộc sống, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 24 HTX thủy sản hoạt động hiệu quả, đặc biệt là các HTX về đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Các HTX này đã góp phần tạo việc làm cho ngư dân, đồng thời tạo nguồn thu nhập bền vững với hình thức phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương.
Tuy nhiên, khoảng thời gian từ năm 2003 đến nay đã chứng kiến sự giải thể của 23 HTX thủy sản và chỉ có rất ít HTX thủy sản được thành lập mới, chủ yếu là HTX về nuôi trồng thủy sản. Chúng ta có đường bờ biển dài, số lượng tàu cá lớn, số lượng lao động nghề cá cũng không hề nhỏ, so với tiềm năng hiện có, các HTX thủy sản phát triển chậm và yếu.
HTX Thủy sản Thanh Trạch 1 (Thanh Hải, Thanh Trạch, Bố Trạch) đi vào hoạt động từ năm 1995 với 14 xã viên và 2 tàu cá (công suất ban đầu 105 CV và 155 CV). Trải qua gần 20 năm hoạt động, HTX vượt qua nhiều khó khăn, gian nan để duy trì tồn tại đến ngày hôm nay.
Ông Lê Văn Hồng, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thanh Trạch 1 chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX chính là nguồn vốn. Cả hai tàu có công suất không đủ lớn, lại đóng đã lâu, nhiều bộ phận, máy móc dễ hỏng hóc, chính vì vậy, mặc dù tàu có thể chở được 20 tấn cá, nhưng mới chở từ 16-18 tấn là tàu đã khó khăn khi đi lại, đặc biệt gặp thời tiết xấu. Cho nên, để đánh bắt cá xa bờ lâu dài, tàu rất cần được cải hoán và sửa chữa, làm mới.
Tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân hàng rất khó tiếp cận với bà con, bởi đòi hỏi phải có thế chấp, trong khi HTX lại không có tài sản cố định nào. Giải pháp tình thế là lấy sổ đỏ của chính các xã viên để thế chấp vay vốn và bán một trong hai chiếc tàu. Ông Lê Văn Hồng cho biết, vừa qua, HTX đã bán một chiếc tàu và vay mượn thêm vốn để vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới sẽ tiến hành làm mới lại tàu, đủ sức bám biển dài lâu. Cũng vì thiếu nguồn vốn mà một HTX bề thế như HTX đánh bắt hải sản Liên Hoà (Quảng Trung, Quảng Trạch) với 15 tàu công suất lớn từ 300-500 CV và một số tàu thuyền các loại khác, sau 4 năm triển khai cũng đành “nằm im” đóng băng mọi hoạt động.
Một khó khăn nữa không phải chỉ diễn ra ở HTX Thủy sản Thanh Trạch 1 mà ở các HTX khác, đó là thiếu nguồn lao động. Ông Lê Văn Hồng, kiêm Trưởng thôn Thanh Hải tâm sự, thôn có 207 hộ, thì có tới hơn 200 thanh niên đi nước ngoài kiếm sống. Thu nhập từ nghề cá không đủ hấp dẫn, lại vất vả, hiểm nguy, người này nối tiếp người khác, lớp thanh niên trẻ khỏe dần dần xao lãng nghề cá truyền thống của quê hương. Nhân lực đã thiếu, thị trường tiêu thụ sản phẩm lại thường xuyên gặp sự ép giá của tư thương.
Nhiều trường hợp, theo thỏa thuận, tàu đã về bến, cá đã đầy khoang, nhưng tư thương vẫn sử dụng nhiều “chiêu trò” để ép giá, như: tùy thuộc số lượng cá ít nhiều để trả giá cao thấp, phân loại cá không đúng chất lượng để dễ bề ép giá… Những nguyên nhân trên đã khiến các HTX càng thêm gian nan trong hành trình tồn tại. Thanh Trạch trước đây cũng có một HTX thủy sản nữa, nhưng giờ đã giải thể do hoạt động kém hiệu quả.
Thiếu nguồn vốn, việc đóng mới, cải hoán tàu cá trở nên rất khó khăn đối với các hợp tác xã thủy sản ở Quảng Bình
Xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) có gần 400 tàu đánh bắt cá với hơn 60% dân số làm nghề biển vậy mà toàn xã không có một HTX thủy sản nào. Trên thực tế, xã vẫn có HTX Thủy sản Nhật Lệ II, nhưng mọi hoạt động chỉ còn trên danh nghĩa giấy tờ. Anh Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh lý giải, bà con không mặn mà với mô hình HTX bởi họ cho rằng HTX đòi hỏi khâu quản lý, thủ tục rườm rà, phức tạp. Trong khi, với hình thức đánh bắt theo kiểu từng hộ gia đình, bà con sẽ dễ dàng hơn trong phân chia lợi ích kinh tế, cũng như thuận tiện hơn trong nhiều hoạt động. Đó là lý do vì sao mô hình tổ đoàn kết, tổ hợp tác được ưa chuộng hơn.
Đối với các HTX chuyên về nuôi trồng thủy sản, dường như quá trình sản xuất tương đối thuận lợi hơn, mặc dù nguồn vốn vẫn là nỗi ám ảnh. Anh Nguyễn Xuân Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Hoàng Hải (Mỹ Thủy, Lệ Thủy), khẳng định nguồn vốn luôn khiến anh em xã viên mất nhiều thời gian, công sức để tìm giải pháp. HTX được xây dựng từ năm 2012 với nguồn vốn 500 triệu đồng, sản xuất nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là cá nước ngọt) trên diện tích 2 ha. Để huy động được nguồn vốn này, anh em xã viên phải linh động từ nhiều kênh, như của gia đình, vay vốn từ các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Sắp tới, để mở rộng và gia cố thêm quy mô, HTX rất mong muốn có sự hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp để yên tâm sản xuất kinh doanh.
Theo anh Nguyễn Ngọc Thương, ủy viên Ban chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Phước Lộc (Quảng Lộc, Quảng Trạch), từ sau bão số 10, giống cá nước ngọt tăng giá đột ngột, từ 3.000 đồng/con lên mức 5.000 đồng/con, khiến đầu năm nay, HTX dự định thả 10.000 con cá giống, nhưng chỉ thả được 6.000 con. Trong khi đó, nhiều thiệt hại từ cơn bão số 10 và hoàn lưu cơn bão số 11 đối với hơn 13.000 m2 nuôi trồng thủy sản của HTX vẫn chưa khắc phục xong.
Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh nhận định, theo chương trình khai thác hải sản xa bờ, các HTX đánh cá xa bờ thành lập ồ ạt, không tuân thủ theo nguyên tắc tự nguyện của HTX, lại lựa chọn đối tượng đầu tư chưa phù hợp, thiếu vốn đối ứng, không cân đối giữa phương tiện và ngư cụ. Thêm nữa, trình độ cán bộ quản lý HTX yếu kém, do đó, hầu hết HTX đánh bắt xa bờ phải bán đấu giá tài sản và giải thể. Đối với khó khăn về vốn của các HTX thủy sản còn lại, Liên minh HTX tỉnh nhận định đây không phải là vật cản riêng với các HTX thủy sản, mà là của tất cả HTX trong Liên minh.
Chính vì vậy, Liên minh hiện đang tiếp tục xúc tiến, đề nghị thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tạo điều kiện cho HTX tỉnh ta vay vốn ưu đãi, góp phần tháo gỡ vướng mắc trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh tích cực nỗ lực cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ HTX, như: chuyển giao khoa học công nghệ, giải quyết đất đai trụ sở, thành lập mới HTX, bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ xã viên…
Theo ông Ngô Gia Thởi, riêng đối với các HTX thủy sản, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cơ sở để tăng cường, tuyên truyền vận động bà con nâng quy mô tổ hợp tác lên HTX theo yêu cầu, nguyện vọng của chính người dân. Bởi trên thực tế, do dư âm từ sự thất bại của không ít mô hình HTX thủy sản và việc nhận thức chưa thực sự thấu đáo đối với mô hình này, tâm lý nhiều ngư dân vẫn còn khá e dè, khiến số lượng HTX thủy sản ngày càng ít đi. Với sự phân công trách nhiệm, mối quan hệ và hình thức quản lý chặt chẽ, cụ thể giữa xã viên, ban chủ nhiệm, cộng thêm sự hỗ trợ tích cực từ Nhà nước, về lâu về dài, xét theo tính bền vững, HTX sẽ đóng vai trò quan trọng trong lộ trình bám biển làm giàu của ngư dân. Mặt khác, để khắc phục hạn chế về trình độ, năng lực quản lý của đội ngũ Ban chủ nhiệm HTX, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Quả thật, với hơn 4.000 tàu cá đang hoạt động hiện nay, việc chúng ta chỉ có 6 HTX thủy sản, trong đó 3 HTX nuôi trồng thủy sản, 3 HTX đánh bắt cá (2 HTX hầu như không hoạt động), thì thật đáng suy ngẫm. Phải chăng mô hình HTX không phù hợp với nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, hay vẫn phù hợp nhưng cái cách để duy trì và phát huy một cách hiệu quả thật sự cần có sự nghiên cứu, xem xét, đánh giá và nhìn nhận thấu đáo?