(TSVN) – Với diện tích khoảng 650 ha, thuộc 3 xã Tam Thăng, xã Tam Phú và phường An Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam; sông Đầm có hệ sinh thái rất độc đáo, quý hiếm; điều kiện tự nhiên phong phú và thảm thực vật, hệ động vật đa dạng của khu vực Nam Trung bộ. Chính vì vậy, trong thời gian qua, TP Tam Kỳ đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các loài chim hoang dã, kiểm soát nguồn nước đầu vào sông Đầm gắn với sinh kế của người dân.
Qua khảo sát của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, sông Đầm có 295 loài, trong đó có 33 loài cá; 16 loài bò sát ếch, nhái; 31 loài chim, đáng lưu ý là có loài “Cò Nhạn” nằm trong sách đỏ Việt Nam; có 211 loài côn trùng; thực vật bậc cao có 170 loài. Đặc biệt, sông Đầm với vẻ đẹp sinh thái nguyên sơ, cùng với hệ thống di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Kỳ Anh có tiềm năng to lớn cho việc phát triển du lịch trải nghiệm của thành phố Tam Kỳ.
Hoạt động thả cá tại khu vực Sông Đầm, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ST
Cũng theo nhiều tài liệu khoa học, hệ sinh thái sông Đầm có mức độ đa dạng sinh học cao, mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng đối với môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, sinh hoạt sản xuất và văn hóa truyền thống của cư dân bản địa xung quanh bờ. Đây chính là lá phổi xanh của thành phố, là vùng chứa lũ, có vai trò thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, thời gian qua, sau khi xác định được tầm quan trọng và giá trị của sông Đầm, TP Tam Kỳ đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý, bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái đa dạng sinh học. Trong đó, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiểm soát nguồn nước đầu vào sông Đầm. Hằng năm, TP Tam Kỳ hỗ trợ kinh phí và tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng sen tạo cảnh quan phục vụ du lịch với diện tích khoảng 15 ha/năm. Các ngành chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp dùng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép, săn bắt các loại chim hoang dã và di cư tại sông Đầm.
Riêng năm 2023, TP Tam Kỳ đã thả 30.000 cá các loại để làm đa dạng thêm nguồn lợi thủy sản tại đây. Hằng năm, thành phố còn tổ chức Tuần Du lịch trải nghiệm sông Đầm gắn với di tích địa đạo Kỳ Anh; tổ chức nhiều sự kiện truyền thông về bảo vệ động vật hoang dã, từ đó góp phần bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm đã có những kết quả tích cực. Rõ nét nhất là diện tích cây xanh tăng lên, nước trở nên trong lành hơn, nguồn lợi thủy sản cũng đang dần phục hồi. Điều đáng mừng là việc khai thác bằng xung điện, dùng hóa chất cũng như công cụ đánh bắt thủy sản có tính tận diệt hay tình trạng săn bắt, bẫy chim tại khu vực sông Đầm đã giảm thiểu đáng kể.
Nhằm hưởng ứng “Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia – Quảng Nam 2024”; kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá; Ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4/1959 – 1/4/2024); sáng 30/3, UBND TP Tam Kỳ đã tổ chức Lễ phát động phục hồi và phát triển hệ sinh thái đất ngập mặn nước sông Đầm. Tại Lễ phát động, đại diện cộng đồng dân cư đã ký cam kết bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Tam Kỳ đã trồng nhiều loại cây bản địa và thả hàng nghìn con cá giống xuống khu vực này để góp phần tái tạo, làm phong phú hơn nữa hệ sinh thái của sông Đầm.
Việc phát động bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước và phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm sông Đầm, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng và giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững và truyền thông về bảo vệ, đánh bắt hợp lý nguồn lợi thủy sản; góp phần phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường.
Cùng đó, việc bảo vệ, tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên góp phần phát triển hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản, nhất là các loài thủy sản bản địa quý, hiếm; duy trì, phát triển đa dạng sinh học của tài nguyên thủy sinh vật và phát triển bền vững, đặc biệt trên hệ thống hồ sông Đầm. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, chia sẽ trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy sự đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái bằng các hành động cụ thể, thiết thực và phù hợp với từng khu vực.
Bên cạnh đó, hoạt động này còn góp phần tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa 65 năm ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4) và ngày Bác Hồ về thăm làng cá. Khuyến khích mọi người dân có trách nhiệm chung tay bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản, cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học sông Đầm, tạo cảnh quan và cải thiện môi trường sống cho người dân khu vực sông Đầm; góp phần tạo sản phẩm phát triển du lịch trải nghiệm cũng như phát triển kinh tế bền vững ở địa phương. Ngoài ra, tổ chức thiết thực về nội dung, đúng đối tượng, hiệu quả và có sự lan tỏa rộng rãi; thu hút sự tham gia chủ động tích cực của các ngành, các cấp và xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa việc thả bổ sung và tái tạo nguồn lợi thủy sản, hệ thống cây xanh…; góp phần phát huy trách nhiệm toàn xã hội trong công tác phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước và đa dạng sinh học trên địa bàn TP Tam Kỳ.
>> Theo quy hoạch TP Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đô thị sinh thái và phát triển du lịch. Thành phố đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư 118 tỷ đồng xây dựng hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái khu vực sông Đầm, thực hiện trong năm 2024. Ngoài đầu tư hạ tầng, TP Tam Kỳ đề nghị UBND tỉnh xem xét thống nhất chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam tại khu vực hồ sông Đầm với quy mô 6 ha.
Hải Lý