Mọi năm trước, thời điểm này ốc gạo khá “hút hàng” người dân xã bãi ngang Đức Minh (Mộ Đức) tập trung ra quân “hái lộc” từ biển, thế nhưng năm nay, rất ít ngư dân hành nghề, vì thị trường ốc gạo khá trầm lắng.
Cào ốc theo “đơn đặt hàng”
Mùa ốc gạo bắt đầu từ khoảng cuối tháng giêng và kéo dài đến khoảng tháng 3, 4 âm lịch, thời điểm này mọi năm là thời điểm ốc gạo xuất hiện nhiều nhất trong năm, bãi biển xã Đức Minh lúc nào cũng rộn ràng kẻ bán, người mua, nhưng trái ngược với mọi năm, năm nay, về xã Đức Minh không khí khá trầm lắng.
Ngư dân Nguyễn Văn Hướng ở xã Đức Minh cho biết: Thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày có đến 20 – 30 thương lái tập trung về đây mua gom ốc gạo, mỗi thương lái mua 50 – 70 bao, mỗi ngày có đến 4 chiếc xe tải túc trực để chở ốc gạo đi các tỉnh để tiêu thụ nhưng năm nay đìu hiu lắm.
Theo anh Hướng, năm nay ngư dân không dám ra biển cào ốc…vì sợ ế, nhiều lúc cào ốc về nhưng thương lái không mua, nên đành phải về nấu, chở đi bán khắp các chợ.
Năm nay ốc gạo ít hơn mọi năm
“Bây giờ, trước khi đi cào ốc, ngư dân phải gọi điện thoại cho các thương lái để hỏi xem hôm nay có mua không? Và số lượng bao nhiêu? Khi nào thương lái đồng ý thì ngư dân mới ra biển cào ốc”- ngư dân Huỳnh Văn Hoàng ở thôn Đạm Thủy Bắc, xã Đức Minh cho hay.
Nhiều ngư dân cho rằng năm nay thị trường ốc gạo giảm 40 – 50% so với năm ngoái. Mọi năm, bình quân tại bãi biển Đức Minh, thương lái thu mua đến mấy trăm bao ốc gạo mỗi ngày, thế nhưng năm nay bình quân chỉ thu mua 80 – 90 bao ốc/ngày, nhưng thương lái chỉ mua những ngư dân mối quen.
Không chỉ bấp bênh đầu ra, mà theo nhiều ngư dân năm nay ốc gạo thưa và nhỏ hơn mọi năm, giá cả cũng rất thấp. Năm trước ốc có giá đến 500 – 600 ngàn đồng/bao, năm nay giá ốc chỉ vào khoảng 300 – 400 nghìn đồng /bao.
“Vào thời điểm này mọi năm, bà con sống ven biển bỏ hết công chuyện trên bờ, tập trung ra biển lặn ốc gạo. Người cao nhất kiếm trên 1 triệu đồng/ngày, người thấp nhất cũng có khoản thu nhập 500 – 600 ngàn đồng/ngày, nhưng giờ cao nhất cũng kiếm được 200 – 300 nghìn/người/ ngày”- một ngư dân chia sẻ.
Đầu ra ốc gạo năm nay khá bấp bênh
Chị Phạm Thị Vân- một thương lái thu mua ốc ở biển Đức Minh cho rằng, năm nay ốc gạo ở đây nhỏ hơn so với các nơi khác nên người tiêu dùng ít chuộng. Cùng với đó thị trường tiêu thụ ốc gạo trước đây cũng không chuộng như mọi năm, số lượng ốc gạo chuyển đi các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên… khá ít. Những thương lái chúng tôi chỉ dám mua cầm chừng, để bán lại cho những người bán lẻ ở các chợ trong tỉnh.
Ngư dân cào ốc chuyển nghề
Trò chuyện với chúng tôi, lão ngư Trần Sinh (60 tuổi) ở xã Đức Minh trầm ngâm: Năm trước, ít nhất một ghe hành nghề cào ốc gạo cũng kiếm được 7 – 8 bao, nhiều thì cũng trên 10 bao, bán được 4 – 5 triệu đồng. Giờ ốc rất ít, mỗi ngày cào nhiều lắm cũng chỉ được 3 – 4 bao/ghe/3 lao động nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, hôm nào thương lái mua thì đi cào, không thì nghỉ nên hiệu quả kinh tế không cao.
Chuẩn bị sửa soạn lưới cho chuyến ra khơi, ngư dân Huỳnh Thanh Nam ở xã Đức Minh chia sẻ: Làm nghề cào ốc rất vất vả, nặng nhọc, nhưng đầu ra năm nay bấp bênh nên chúng tôi chuyển sang làm nghề lưới vừa nhẹ nhàng mà hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Bình quân mỗi ngày 1 ghe hành nghề lưới cua, ghẹ, lưới cá với 3 ngư dân/ghe, kiếm được trên 2 triệu/ngày.
Chỉ những chiếc ghe nằm trên bờ, ngư dân Huỳnh Thanh Nam cho biết: Các ghe này mọi năm đều hành nghề ốc gạo nhưng năm nay đều chuyển sang hành nghề lưới ghẹ, lưới cá.
Mọi năm thu nhập từ nghề cào ốc gạo khá cao, nhưng năm nay ngư dân đành chuyển sang nghề lưới.
Chỉ tính riêng xã bãi ngang Đức Minh mọi năm có hơn 50 ghe với hàng trăm ngư dân hành nghề cào ốc, nhưng năm nay số lượng này rất ít.
Ông Võ Minh Quang – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Minh cho biết: Năm nay do ốc thưa, và đầu ra khá bấp bênh nên số lượng ghe hành ốc gạo chỉ còn khoảng 20 chiếc. Nhưng không phải thường xuyên, có ngày làm nghề lưới, có ngày làm nghề cào ốc vì phải phụ thuộc vào thương lái. Khi nào thương lái có nhu cầu mua ốc thì các ngư dân mới ra biển cào.
Lý giải cho việc năm nay ốc gạo ít và nhỏ hơn mọi năm- một trong những yếu tố khiến đầu ra hạn chế, lão ngư Trần Sinh cho rằng: Có thể đây là hệ quả của việc khai thác quá mức của những năm trước đó nên ốc không có đủ thời gian sinh sản, sinh trưởng kịp.
Mọi năm số lượng ghe hành nghề cào ốc ở vùng bãi ngang ven biển huyện Mộ Đức lên đến gần cả trăm chiếc với cả trăm lao động, cường lực khai thác lớn, ngày đêm quần thảo. Bằng dùng cụ cào ốc là một cây sắt gắn vợt cào sát đáy biển nên từ ốc lớn cho đến ốc nhỏ đều vào vợt.
Cách khai thác này khiến cho ốc gạo mà ngư dân bãi ngang ví như “lộc biển” của ngư dân ngày càng cạn kiệt, ốc ngày càng ít đi và ngư dân là người chịu thiệt thòi. Cuộc sống ngư dân bãi ngang sống nhờ “lộc biển” vốn khó khăn nay càng khó khăn hơn.