CHỦ NHẬT, ngày 19/1/2025

Quảng Ngãi: Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp xanh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tỉnh Quảng Ngãi chú trọng phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thông minh. Đây là yêu cầu bắt buộc, là xu hướng tất yếu của thời đại phải thực hiện để phát triển bền vững.

Tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm phát triển về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Trong đó, tỉnh chủ trương xanh hóa các ngành kinh tế. Cụ thể, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.

Tỉnh Quảng Ngãi chủ trương triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản xanh. Ảnh: Võ Hà

Về lĩnh vực nông nghiệp, chủ trương xây dựng và thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu. Điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản theo hướng giảm phát thải, nâng cao năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai. Cùng đó, quy hoạch ngư trường, hình thành mô hình khai thác tàu mẹ, tàu con để giảm chi phí tiêu hao năng lượng trong khai thác xa bờ. Điều chỉnh cường độ và cơ cấu khai thác hải sản đảm bảo hiệu quả, bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai các mô hình, phương thức, quy trình, công nghệ về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản xanh, tuần hoàn, thông minh, ứng dụng công nghệ cao; các giống cây trồng, vật nuôi, đối tượng nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao, phát thải thấp, có năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai, đa thiên tai.

Sử dụng các công nghệ, thiết bị mới giúp nâng cao hiệu quả khai thác hải sản; bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vật tư và tài nguyên đầu vào, giảm tổn thất sau thu hoạch; ap dụng các công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp; liên kết trong thu gom, xử lý và tái sử dụng chất thải, tái chế phụ phẩm, phế phẩm trong sản xuất nông lâm thủy sản.

Trong Kế hoạch này, tỉnh cũng khuyến khích chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, phân tán sang sản xuất theo liên kết ngang, liên kết dọc, sản xuất tập trung quy mô trang trại. Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm gắn với các tiêu chuẩn chứng nhận, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn sinh học và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Thí điểm, nhân rộng các sáng kiến phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ ruộng đất.

Phát triển chuỗi giá trị nông sản xanh cho các sản phẩm nông lâm thủy sản dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp đầu tư và sản xuất. Hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại. Thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp xanh tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ, trợ giá sản phẩm theo quy định.

Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao, an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Mặt khác, chuyển đổi hình thức xuất khẩu hàng hóa nông sản theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, giảm thiểu rủi ro từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm nông sản có chứng nhận xanh. Đồng thời chú trọng ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng, công nghệ số để xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản làm phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, khí sinh học thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!