Với tổng diện tích thả nuôi ước đạt 1.406 ha, sản lượng 6.638 tấn đã góp phần nâng giá trị thủy sản đạt hơn 1.000 tỷ đồng (năm 2012). Tuy nhiên hiện nay, hoạt động kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang diễn ra khá lộn xộn…
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 1 Trung tâm và 6 cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) các loại giống thủy sản nước ngọt, nước mặn-lợ, tập trung ở đối tượng cá và tôm thẻ chân trắng. Trong đó, sản lượng giống thủy sản nước ngọt đảm bảo 80-90% nhu cầu thả nuôi; riêng tôm thẻ chân trắng chỉ đáp ứng hơn 10%. Số còn lại phụ thuộc vào thị trường ngoại tỉnh.
Giống thủy sản: Loạn!
Với nhu cầu 1,2-1,3 tỷ con/năm, giống tôm thẻ chân trắng được xem là “miếng bánh” mà các đơn vị SXKD tìm cách sở hữu. Vì thế hiện nay, bên cạnh những thương hiệu có tên tuổi như CP, Việt Úc, Thông Thuận… thì thị trường không hiếm các loại giống “dỏm”, kém chất lượng vẫn nhởn nhơ tồn tại! Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Năm – Trưởng phòng Thủy sản, Chi cục Thú y tỉnh cho rằng: “Kinh tế eo hẹp, thông tin hạn chế và thích rẻ là nguyên nhân khiến nông dân đẩy giống trôi nổi “lọt” xuống hồ”. Bởi, với giá 10 – 15 đồng/con (thấp hơn giống chính chủ 55 – 60 đồng/con) nên dù biết hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng nhưng nhiều chủ hồ, nhất là những người liên tiếp gặp vận đen với tôm vẫn lựa chọn nhằm tiết kiệm chi phí! Kết quả là sau khi thả nuôi, tôm có ăn mà không lớn.
Không ít chủ hồ vì thiếu thông tin nên mua phải giống “dỏm”, kém chất lượng.
Bài học này có lẽ không còn lạ với hàng trăm hộ nuôi tôm ở huyện Tư Nghĩa trong đợt dịch bệnh vi rút đốm trắng hồi tháng 4 vừa qua. Vì theo đánh giá của Chi cục Thú y, ngoài môi trường, thời tiết hay nguồn nước thì chất lượng giống được xem là nguyên nhân chính khiến 55,79 ha tôm ở đây bị nhiễm bệnh. “Phần lớn người nuôi đều sử dụng con giống trôi nổi, không có giấy kiểm dịch và text 5 bệnh của cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Văn Năm khẳng định.
Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp người dân bị chính đại lý, điểm bán giống lừa theo kiểu “thương hiệu thật, chất lượng giả”. Đơn cử như mới đây, Công ty TNHH Thông Thuận (đơn vị liên kết với Trung tâm giống Thủy sản Quảng Ngãi) bị một khách hàng tên Cứ (Tư Nghĩa) phản ánh chất lượng tôm giống của đơn vị này có vấn đề. Tuy nhiên, sau khi xác minh thì cả Thông Thuận lẫn ông Cứ đều té ngửa, vì chủ cửa hàng giống không chỉ “mượn” thương hiệu Thông Thuận để bán hàng, mà còn bán “nhầm” giống tôm hạng bét với giá…70 đồng/con!
Quản lý: Lỏng lẻo
Mỗi năm, các cơ sở trong tỉnh chỉ cung ứng 100-120 triệu con tôm giống (đáp ứng hơn 10% nhu cầu), phần còn lại được các cơ sở, đại lý, cửa hàng nhập từ Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa rồi lưu giữ, sau đó bán cho người nuôi. Điều đáng lo ngại là một lượng lớn số tôm giống được nhập ngoại này chưa qua kiểm dịch, thiếu nguồn gốc xuất xứ…
Lý giải tình trạng “lọt sàng” này, ông Nguyễn Văn Năm cho rằng, phần lớn là do cơ chế! Bởi theo quy định, giống thủy sản lưu thông giữa các tỉnh được “miễn” kiểm dịch tại các Trạm kiểm dịch đầu mối (trừ những vùng trọng điểm). Điều này dễ khiến xảy ra tình trạng “trá hàng”-nghĩa là sau khi lô giống được cấp giấy miễn dịch, không loại trừ khả năng các cơ sở SXKD trộn vào đó hàng kém chất lượng, mang đi tiêu thụ mà không vấp phải rào cản nào từ phía các cơ quan chức năng. Trong khi đó, việc kiểm tra (vệ sinh thú y, kiểm dịch và giám sát mẫu bệnh phẩm) ở các cơ sở SXKD giống thủy sản thực hiện theo định kỳ, còn quá trình nhập-xuất hàng của đơn vị thì cơ quan quản lý cũng… chịu!
Không những thế hiện nay, người dân thường tự đi mua giống về sử dụng mà không cần Chi cục Thú y hỗ trợ và text lại mẫu để kiểm tra dịch bệnh vì ngại mất thời gian lại… tốn phí!
Tuy nhiên, bên cạnh sự gian lận của một số điểm bán hàng và cơ sở SXKD giống thủy sản, người nuôi thiếu thận trọng thì theo nhận định của Phó Giám đốc Trung tâm giống Thủy sản Quảng Ngãi Đào Tư Hiền, vấn đề cốt lõi là ở phía các ngành chức năng. Bởi, nếu việc giám sát chất lượng giống quy củ và chặt chẽ thì hàng trôi nổi không dễ lọt như hiện nay. Và nếu công tác phân tích, xét nghiệm bệnh phẩm cũng như quan trắc môi trường được chú trọng, kịp thời phát hiện và cảnh báo những bất thường trong hồ nuôi thì chắc hẳn, nông dân không phải oằn lưng “gánh” lỗ lẫn rủi ro.
>> Thông tư 26 của Bộ NN&PTNT quy định, các cơ sở SXKD giống thủy sản phải thực hiện dán nhãn giống khi lưu thông; ghi chép hồ sơ theo dõi quá trình SXKD (lưu giữ tối thiểu 3 năm) và quá trình ương, dưỡng giống thủy sản (lưu giữ tối thiểu 2 năm); chất lượng con giống phải được kiểm dịch trước khi lưu thông, có hóa đơn xuất xứ và hồ sơ chứng minh nguồn gốc bố mẹ rõ ràng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/7/2013. |