(TSVN) – Theo Kế hoạch về việc quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 do UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành, tỉnh đặt mục tiêu giảm 50% rác thải nhựa trên biển, đại dương và 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom.
Hiện nay, tại nước ta, mỗi năm có khoảng 3,2 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có hơn 30 tỷ túi ni lông. Đáng lo ngại hơn, hơn 80% số túi ni lông này bị vứt bỏ sau khi sử dụng một lần, gây ô nhiễm môi trường biển và ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Người dân phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi ra quân thu gom rác ven biển. Ảnh: Văn Tánh
Nhận thức được tầm quan trọng của việc khuyến khích ngư dân giảm sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong lĩnh vực nghề cá, mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch về việc quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh. Thực hiện theo kế hoạch này, thời gian qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương ven biển đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân tích cực tham gia mô hình “Ngư dân mang rác thải nhựa vào bờ”.
Ông Huỳnh Văn Tâm, ngư dân sinh sống tại phường Phổ Quang (thị xã Đức Phổ) cho biết, biển ngày càng bị ô nhiễm nên sản lượng các loại hải sản cũng theo đó giảm sút. Có nhiều mẻ lưới rác nhiều hơn cá. Để bảo vệ môi trường, ông đã gỡ và phân loại riêng từng loại rác rồi bỏ vào túi mang về bờ xử lý.
Không chỉ ông Tâm, mà ngày càng có nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lắp đặt túi lưới chứa rác thải phía sau mui tàu, để thu gom các loại chai, lọ, bao bì thực phẩm sinh hoạt và các hoạt động trong chuyến đi biển. Rác thải chủ yếu là nhựa và kim loại, có thể được tái chế thành nhiều sản phẩm hữu ích, góp phần vào việc giảm thiểu rác thải nhựa, làm sạch đại dương.
Trước đó, vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua, Khu bảo tồn biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã ra quân thực hiện chương trình lặn thu gom, xử lý rác thải đại dương và lặn bắt, tiêu diệt các sinh vật gây hại cho rạn san hô trong khu bảo tồn. Đội thợ lặn đã thu gom rác thải và tiêu diệt các sinh vật gây hại tại 3 bãi rạn san hô nằm trong khu bảo tồn, phần lớn là rác thải nhựa trong hoạt động khai thác thuỷ sản và rác thải nhựa sinh hoạt. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã thu gom, xử lý gần 1 tấn rác thải nhựa ven bờ biển và rạn san hô trong khu bảo tồn.
Với 130 km chiều dài bờ biển, tỉnh Quảng Ngãi lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó có hoạt động khai thác hải sản. Tuy nhiên, lợi thế ấy có thể bị ảnh hưởng bởi rác thải, khiến cho một số loài sinh vật biển như cá, tôm, cua và nhiều loại hải sản khác không thể sinh trưởng phát triển bình thường, làm giảm nguồn lợi thủy sản.
Để giải quyết tình trạng đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường ra quân, xử lý thu gom rác trên biển, nhất là rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và nhất là người nhân dân về vấn đề bảo vệ môi trường.
Minh Khuê