Đến cuối tháng 12, biển vẫn yên. Nhưng, để con tàu cứng cáp lướt sóng ra khơi vào mùa biển mới, nhiều ngư dân đưa tàu vào bờ để sơn nước, sửa máy, nâng cấp “thay áo mới” cho tàu… Những ngày này, các triền đà hay các hợp tác xã cơ khí đóng mới tàu thuyền ven biển luôn nhộn nhịp…
Những ngày cuối năm, không khí lạnh bắt đầu tràn vào các làng chài, nhưng ở triền đà cải hoán đóng mới tàu cá xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) vẫn “nóng” như thường lệ. Những người thợ mình trần, tay chân lấm lem sơn, dầu mỡ đang “hì hục” dưới thân tàu, quét sơn, sửa hầm đá. Sóng biển ầm ào, nhưng từ đằng xa đã nghe tiếng máy quay búa, đóng gõ ở triền đà khá rõ làm nhộn nhịp cả làng chài. Ngư dân Nguyễn Thanh Hoàng, thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, cho biết: “Giờ, biển vẫn còn yên. Đáng lẽ tiếp tục đánh bắt trên biển, nhưng sắp bước vào mùa biển mới nên đưa tàu vào tu sửa cho cứng cáp. Năm nào cũng vậy, con tàu sau một năm quăng quật với biển khơi, thân tàu sờn nước sơn, ván lỏng, chân vịt, máy móc đều phải tu sửa, thay mới. Năm nay, tôi trích 30 triệu đồng “tuốt” con tàu để ra khơi cho “khí thế”.
Nhiều tàu thuyền đưa về triền đà “thay áo mới” sau một năm quăng quật với biển khơi.
Con tàu 180CV của anh Bùi Ngọc Xô cạnh bên cũng đang được đám thợ xem lại máy móc và thay ván thân tàu. Tàu anh Xô làm nghề pha xúc, chỉ đánh bắt được ở vùng biển Quảng Ngãi từ tháng 8 đến tháng 2 âm lịch. Còn tháng 5 đến tháng 7, con cá di chuyển vào phía nam nên anh phải giong tàu theo để đánh bắt. Quanh năm đuổi mãi theo con cá trước lực cản của sóng nước nên bây giờ con tàu của anh không còn chắc chắn nữa. Mùa biển mới cũng sắp bắt đầu, nên anh phải trích 150 triệu đồng để đại tu lại con tàu.
Anh Xô vui vẻ nói: “Biển giả mà, năm được năm mất. Năm nay kết thúc mùa biển, mỗi bạn thuyền chỉ kiếm được 40 triệu đồng, còn chủ tàu kiếm được 100 triệu đồng. Mặc dù, không được mùa nhưng phải hy vọng. Bây giờ sửa lại con tàu cho “ngon lành” để “chinh chiến” trong mùa biển mới”.
Ở một góc triền đà, con tàu đóng mới gần 500 CV của anh Trần Dũng thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn) cũng sắp hoàn thành. Để đóng được con tàu “khủng”, anh Dũng đã trải qua bao năm tháng lăn lộn với sóng khơi để tích góp cho mình kinh nghiệm và một số tiền kha khá để đóng con tàu này. Trước mùa biển năm nay, anh quyết định hùn vốn cùng bà con dòng tộc hơn 1,5 tỷ đồng đóng mới chiếc tàu để vùng vẫy biển khơi, để thỏa mãn đời đi biển đã có bao năm mơ ước.
Vỗ nhẹ vào thân tàu như nựng vật quý, anh Dũng bảo: “Tàu hạ thủy, chuyến biển đầu tiên anh em sẽ trực chỉ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Phiên biển đầu tiên trên con tàu mới, anh em ai cũng hồi hộp nên đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng”. Chuẩn bị những phương tiện đánh bắt hiện đại như: Máy dò quét, bộ đàm, máy định vị và các giàn lưới cũng “khủng”, anh Dũng và bạn thuyền vạch định cho mình những chuyến biển phía trước với đầy niềm tin hy vọng…
Ông Võ Văn Đi – Chủ dịch vụ triền đà cải hoán và đóng mới tàu thuyền xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh), cho biết: Mùa biển năm nay kéo dài hơn mọi năm vì trời yên, không có giông bão nhiều. Đến thời điểm này, mặc dù tàu thuyền cập bến tu sửa, đóng mới ít hơn năm ngoái, chỉ có khoảng 50 chiếc/tháng sửa chữa nhanh (thay ván, đà, giang, thay be, thay máy, quét sơn nước…). Nhưng năm nay đa số các chủ tàu trong huyện và ở các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Mộ Đức đều trích một nguồn kinh phí lớn để sửa chữa hoặc đóng mới tàu công suất lớn.
Tại triền đà Hợp tác xã Viễn Đông Sa Huỳnh (Đức Phổ), cũng có nhiều đôi tàu vừa đóng mới hoàn thành đã tốn bạc tỷ. Ông Nguyễn Hoài Nam, xã viên hợp tác xã, cho biết: “Mặc dù cửa biển bồi nhưng do biển được mùa nên không chỉ có tàu ở Sa Huỳnh mà tàu ở các vùng lân cận Phổ Quang cũng đưa về bến tu sửa. Đến nay, Hợp tác xã đã sửa và nâng cấp gần 250 chiếc. Có 20 chiếc đóng mới, với công suất từ 200 – 450 CV. Các tàu đóng mới và tu sửa đa số làm nghề giã cào đôi, đánh bắt vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa.
Bao đời nay, cứ sắp bước vào mùa biển mới, ngư dân lại đưa tàu lên bờ tu sửa, nâng cấp “thay áo mới” cho tàu như thông lệ. Bởi, họ luôn quan niệm, tàu là nhà, ra khơi trong mùa biển mới phải sơn sửa, nếu có điều kiện thì nâng cấp, đóng mới như ngôi nhà của mình quét dọn trước khi đón tết, đón một năm mới, với hy vọng làm ăn thuận lợi và may mắn. Tuy vậy, nhiều ngư dân đi bạn kinh nghiệm ngư trường thì dạn dày, nhưng đồng tiền kiếm được rất eo hẹp, muốn đóng được con tàu làm chủ ra khơi họ phải tích lũy cả đời.
Nhiều ngư dân mong chính quyền và ngành chức năng tạo điều kiện cho họ vay vốn với số tiền lớn để sớm đóng được tàu, sắm phương tiện hiện đại ra khơi, góp thêm một lá cờ Tổ quốc tung bay trên vùng biển, đảo Việt Nam.