Vùng đới bờ Quảng Ngãi hiện đang bị “tổn thương” nghiêm trọng. Hằng năm, vùng này luôn bị sạt lở, ô nhiễm, ngập mặn… đến mức báo động. Tuy nhiên công tác quản lý vùng đới bờ hiện còn nhiều bất cập.
Xói lở gia tăng
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2012 chiều dài bờ biển bị xói lở gần 30 km và có xu hướng tăng nhanh trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Hiện tượng xói lở bờ biển xảy ra ở hầu hết các huyện ven biển, dọc hai bên sông và ở khu vực Cửa Đại (sông Trà Khúc), Cửa Lở (sông Vệ), cửa Mỹ Á (sông Trà Câu) với mức độ ngày càng nặng. Một số khu vực đã có kè chắn sóng như Bình Châu, Bình Hải (Bình Sơn), Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Phổ Thạnh, Phổ Châu (Đức Phổ) nhưng xói lở vẫn xảy ra.
Theo điều tra của Chi cục Biển và Hải đảo, tình trạng xói lở ở một số khu vực cửa sông, ven biển trong giai đoạn 1965 – 2013, có chiều dài trung bình từ 600 – 1.200m, mức độ ăn sâu vào đất liền trung bình từ 20 – 25m. Đặc biệt là năm 2009, do bão lớn kết hợp với áp thấp nhiệt đới, gây ra tình trạng xói lở nghiêm trọng, với chiều dài đến 1.400m và mức độ ăn sâu vào đất liền là 30m. Tại khu vực Sa Cần, cửa Đại bị bồi lấp gây khó khăn cho các tuyến giao thông đường thuỷ, cản trở ghe tàu ra vào tránh gió bão, áp thấp nhiệt đới và nhất là cản trở khả năng tiêu thoát nước lũ trong mùa mưa. Ở phía Nam của tỉnh, khu vực cửa biển Mỹ Á, khu vực biển Sa Huỳnh có nơi chiều dài xói lở 5.000m, chiều rộng từ 30 – 40m. Từ năm 2000 đến 2013, khu vực này bị xói lở trở lại và xu hướng mạnh hơn, chiều dài xói lở khoảng 1.500m. Hằng năm, tốc độ xói lở trung bình từ 5 – 7m.
Trên địa bàn huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, tình hình xói lở diễn ra cũng hết sức phức tạp. Mức độ xói lở bờ biển hằng năm khoảng 5 – 10m. Đặc biệt là huyện Lý Sơn, mặc dù tỉnh đã đầu tư xây dựng một số công trình kè chống sạt lở, nhưng hiện khu vực phía Bắc đảo lớn đã bị xói lở từ 3 – 4m. Tại xã An Bình, khu vực Mom Tàu dài 200m, hiện nay đã bị xói lở sâu vào bờ từ 7 – 8m, khu vực Đông Nam đảo dài 150m bị xói lở sâu vào bờ từ 5 – 6m.
Môi trường ô nhiễm nặng
Ở vùng đới bờ, hiện trạng ô nhiễm môi trường cũng đang báo động. Tại các khu vực tiếp nhận nước thải từ các nhà máy ven biển, các chỉ tiêu COD, dầu mỡ, NH4+ đều vượt quy chuẩn. Các khu vực nuôi tôm trên cát ở Phổ Quang, Đức Minh, Đức Chánh, Đức Phong,… chỉ tiêu COD vượt quy chuẩn nhiều lần, hàm lượng BOD5 có diễn biến tăng so với các năm 2011, 2012. Tại các khu vực cảng, bến cá, vùng neo đậu tàu thuyền như cảng Dung Quất, Sa Kỳ, Lý Sơn… các chỉ tiêu COD, BOD5, TSS diễn biến tăng theo thời gian. Tại các cửa sông, các chỉ tiêu COD, TSS, coliform cũng vượt quy chuẩn. Chất lượng môi trường nước biển tại các khu vực xả thải có dấu hiệu ô nhiễm với sự gia tăng của các chất gây ô nhiễm như BOD, COD, TSS, NH4+, dầu mỡ.
Qua điều tra cho thấy, chất lượng môi trường đới bờ trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục bị tác động bởi các chất thải phát sinh từ các hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn. Nguồn thải từ đất liền theo các dòng sông chảy ra biển hoặc các nguồn thải từ các KKT, KCN, khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch, các cơ sở nuôi trồng thủy sản ven bờ biển đổ thải các chất thải trực tiếp vào nước biển ven bờ. Vấn đề rác thải vùng đới bờ cũng đáng báo động. Theo kết quả điều tra 32 xã nằm sát biển và ven các sông thì tỷ lệ rác được thu gom và xử lý là rất thấp, chỉ đạt khoảng 36%.
Ông Trần Văn Phận – Phó Chi cục Biển và Hải đảo cho biết: Trước thực trạng trên, Chi cục đã đề xuất với UBND tỉnh cho xây dựng đề án bảo tồn rừng ngập mặn. Đối với các lĩnh vực ô nhiễm môi trường, sạt lở vùng đới bờ…Chi cục đã điều tra chi tiết, tìm hiểu nguyên nhân. Trong thời gian đến, Chi cục sẽ đề xuất phối hợp với các ngành, tìm giải pháp khắc phục nhằm hạn chế thiệt hại, bảo vệ vùng đới bờ hợp lý, hiệu quả.