Theo báo cáo của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (KT&BVNLTS – Sở NN&PTNT), hiện nay tại một số vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng một số đối tượng sử dụng phương tiện, kỹ thuật khai thác hải sản trái phép.
Với hình thức khai thác là sử dụng máy bơm có công suất lớn nhằm tạo dòng nước có áp lực lớn xịt mạnh xuống đáy biển để khai thác sá sùng, bông thùa và một số loại hải sản khác. Đây là một công nghệ khai thác có tính tận diệt nguồn lợi thuỷ sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái cần phải xử lý nghiêm.
Tính từ tháng 2-2012 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an các địa phương và Chi cục KT&BVNLTS đã bắt giữ 11 vụ phương tiện tàu, thuyền khai thác bằng phương pháp này ở huyện Vân Đồn, Cô Tô và TP Móng Cái. Điển hình ngày 8-2, Chi cục KT&BVNLTS phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT phát hiện 1 tàu cá, trọng tải 3,5 tấn không có biển số đang khai thác thuỷ sản bằng phương pháp lặn sử dụng máy nén khí kết hợp máy bơm công suất lớn tại khu vực Hòn Chín, xã Vạn Yên (Vân Đồn), trên tàu có 6 người, trong đó, có 2 người của huyện Vân Đồn, 4 thợ lặn người Trung Quốc cùng nhiều thiết bị khác; Ngày 31-7, đồn Biên phòng Thanh Lân phát hiện 5 phương tiện, 17 đối tượng đang khai thác thuỷ sản bằng kích điện tại khu vực Vàng Cháu và Đầu Trâu, xã Thanh Lân (Cô Tô). Các đối tượng này dùng máy phát điện có đường ống dẫn điện nối với một loại súng tự chế, sau đó lặn sâu xuống đáy biển để bắn cá. Đây cũng là một phương pháp khai thác làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái biển, quá trình sinh sản, sinh trưởng của các loài hải sản khu vực khai thác. Hầu hết các vụ vi phạm nói trên đều bị xử phạt theo hình thức xử phạt hành chính, tịch thu tang vật và không thể khởi tố vì thiếu chế tài.
Ông Đỗ Đình Minh, Trưởng phòng Quản lý khai thác, Chi cục KT&BVNLTS cho biết: Đây là công nghệ khai thác mới, được ngư dân du nhập từ Trung Quốc, không nằm trong danh mục nghề khai thác và nghề cấm khai thác của Việt Nam. Thiết bị khai thác bao gồm: Máy nổ công suất lớn, bơm cao áp, hệ thống ống dẫn nước, dàn ống khai thác và túi thu hoạch sản phẩm. Tất cả được trang bị trên tàu cá. Nguyên lý khai thác của công nghệ này là dùng bơm cấp nước tạo áp lực lớn, cấp nước vào hệ thống ống dẫn, nước được đưa đến dàn ống khai thác gồm nhiều ống sắt. Sau đó, qua nhiều ống sắt được côn nhỏ để tạo thành những tia nước xịt mạnh xuống nền đáy nơi các loại thuỷ sản đang kiếm mồi hay ẩn nấp. Dưới tác dụng của tia nước các loại thuỷ sản sẽ bật lên khỏi nền cát và bị cuốn vào túi lưới phía sau. Vùng hoạt động của nghề là vùng nước ven bờ, chất đáy là cát, bùn pha cát. Trên cơ sở phân tích nguyên lý, kỹ thuật khai thác thì hoạt động của các dàn khai thác càn quét, sục tung nền đáy và chà đi chà lại nhiều do vậy ảnh hưởng lớn đến môi trường, nền đáy, thảm cỏ biển, dinh dưỡng và chất độc trong đáy bị giải phóng, ảnh hưởng xấu đến thảm thực vật, san hô. Hầu hết nguồn lợi thuỷ sản trong đáy biển bị tác động mạnh, buộc phải thay đổi nơi sinh sống, do đó sẽ bị bắt theo công nghệ trên, nguy cơ nguồn lợi thuỷ sản bị huỷ diệt đã hiện hữu… có tác động xấu đến môi trường sống của các loài sống ở tầng đáy; khai thác có tính chất huỷ diệt làm cạn kiệt nguồn lợi một số loài thuỷ sản có giá trị kinh tế và mang thương hiệu sản phẩm của tỉnh như: Sá sùng Vân Đồn, Đầm Hà…
Bên cạnh đó, công nghệ khai thác thuỷ sản mới này ảnh hưởng đến an sinh xã hội, sinh kế của một bộ phận lớn ngư dân vùng ven biển, đẩy nghề khai thác sá sùng, bông thùa theo phương pháp thủ công truyền thống từ bao đời nay (dùng mai đào bằng tay) của hàng ngàn ngư dân lao động ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận cư dân ven biển. Tình trạng tranh chấp bãi triều và ngư trường khai thác càng diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên biển.
Để bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản nhằm khai thác bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân vùng ven biển của tỉnh góp phần đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo, ngày 20-9-2012, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2393 về việc cấm các nghề sử dụng máy bơm nước tạo áp lực để khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường hơn nữa các hoạt động kiểm tra, xử lý khai thác sá sùng và bông thùa bằng công nghệ mới làm ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi và môi trường.