Với bờ biển dài hơn 250 km, nhiều bãi cát đẹp, nguồn tài nguyên biển đảo phong phú, những năm qua, Quảng Ninh luôn nỗ lực các giải pháp để bảo vệ môi trường biển gắn với phát triển du lịch và thủy sản.
Để bảo vệ môi trường biển và hải đảo hiệu quả, Quảng Ninh đã kiện toàn bộ máy quản lý về công tác này, trong đó Chi cục Biển và Hải đảo trực thuộc Sở TN&MT thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn, gồm: 7 trạm giám sát chất lượng môi trường nước biển ven bờ, 5 trạm giám sát chất lượng nước mặt, 76 trạm giám sát nước thải… nhằm tăng cường quản lý, giám sát chất lượng môi trường biển. Từ năm 2019, UBND tỉnh cũng đã ban hành quy chế quản lý, vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động này để phát huy hiệu quả cao nhất.
Cán bộ, người dân huyện Cô Tô cùng chung tay dọn rác thải tại khu vực bãi tắm Nam Hải (thị trấn Cô Tô). Ảnh: Trung tâm TT-VH Cô Tô
Tỉnh cũng đã đầu tư, đưa vào vận hành khu xử lý chất thải rắn Trường Xuân (xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô); đồng thời tiếp tục đầu tư khu xử lý chất thải rắn cho các xã đảo Thanh Lân (Cô Tô), Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng (Vân Đồn). 100% nước sinh hoạt từ các khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh hiện đều có hệ thống xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường, riêng trên địa bàn TP Hạ Long có một số khu đô thị mới, nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý cục bộ sau đó đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố.
Tỉnh đang triển khai thực hiện dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại TP Hạ Long, TP Móng Cái; tiếp tục xúc tiến đầu tư dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu vực đô thị tập trung tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên… nhằm hạn chế nước sinh hoạt xả thải trực tiếp ra biển.
Mỗi ngày Công ty CP Thương mại Phúc Thành thu gom khoảng 2 tấn rác thải ở khu ven bờ Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Nga
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thu gom, xử lý hơn 6.000 tấn rác thải tại các luồng, tuyến, khu vực dịch vụ, chân đảo, bãi cát… lắp đặt các thiết bị xử lý nước thải, thùng rác nổi cỡ lớn và các thùng rác tại các điểm tham quan. Tất cả các tàu du lịch trên địa bàn đều lắp đặt thiết bị phân lý dầu – nước. Người dân nuôi trồng thủy sản cũng đang thay thế dần vật liệu phao xốp bằng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường biển, hải đảo nói riêng; phát động hưởng ứng ngày lễ môi trường; xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường chống rác thải nhựa tại Vịnh Hạ Long, huyện Cô Tô…
Đồng thời, tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện cải tạo hành lang sinh thái ven biển, tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển, nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Lãnh đạo và các lực lượng chức năng huyện Hải Hà kiểm tra việc khai thác thủy sản trên biển thuộc địa phương quản lý, tháng 3/2021.
Tỉnh cũng đã triển khai dự án điều tra, đánh giá, xác định ranh giới các khu bảo vệ sá sùng trên địa bàn tỉnh và điều tra nguồn lợi thủy sản; dự án tạo dựng bãi rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tỉnh còn triển khai quy hoạch chi tiết khu bảo tồn biển Cô Tô – đảo Trần và 14 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản đặc thù.Cùng với đó, các ngành chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước và hệ thống thực vật dưới nước, ngăn chặn tình trạng khai thác, săn bắt các loại san hô, thủy sản bằng phương pháp hủy diệt. Đặc biệt trong năm 2021, các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Từ năm 2021 đến hết tháng 1/2022, các sở, ban, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 1.860 vụ vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; qua đó xử phạt 1.822 vụ với số tiền hơn 6,936 tỷ đồng.
Quảng Ninh còn tăng cường hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; tổ chức các nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học như: Triển khai giám sát 3 hệ sinh thái, 65 loại động, thực vật đặc hữu, quý hiếm; khoanh vùng bảo tồn 7 khu vực có tính đa dạng sinh học cao; triển khai quy định cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối; triển khai 14 dự án thuộc Đề án cải thiện môi trường tỉnh. Nhiều giải pháp quyết liệt trong bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đã được triển khai, như: Chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinke, xi măng, dăm gỗ, di dời các nhà bè trên vịnh.
Với các hoạt động đã, đang và tiếp tục triển khai, Quảng Ninh đã đóng góp không nhỏ vào công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong cả nước, giữ gìn bền vững, đa dạng nguồn lợi thủy sản cho thế hệ sau.
Thu Nguyệt