Quảng Trị: Đề án 52 phát huy hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Đề án 52 được triển khai thực hiện tại Quảng Trị từ năm 2009, sau 4 năm, tình hình dân số tại các vùng ven biển tỉnh Quảng Trị đã dần ổn định và có những chuyển biến tích cực. Đời sống người dân ngày được cải thiện, chất lượng dân số nâng cao.

Xác định trọng tâm

Đề án 52 đã được triển khai tại 5 huyện: Vĩnh Linh, Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong, đảo Cồn Cỏ và 30 xã thuộc huyện ven biển, trong đó, có 14 xã ven biển, cửa biển, 3 xã cửa sông và 13 xã vùng cát tiếp giáp với các xã ven biển. Dân số của toàn vùng là 377.051 người, số phụ nữ 15 – 49 tuổi là 55.416 người.

Ảnh: Huy Hùng

Công tác DS – KHHGĐ được các ban ngành trong tỉnh xác định là một hoạt động mang tính xã hội cao, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo sự đồng thuận của các ban, ngành, các tổ chức xã hội, những người có uy tín trong cộng đồng… từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp, góp phần hoàn thành các mục tiêu DS – KHHGĐ; Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các địa phương thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; Chi cục Dân số tỉnh đã ký hợp đồng trách nhiệm với các Trung tâm Y tế huyện thực hiện triển khai 3 gói dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, những hoạt động này đã được sự hưởng ứng và đồng thuận cao của người dân vùng biển.

 

Biện pháp đồng bộ

Hằng năm, ngành dân số đã chú trọng phối hợp truyền thông giáo dục trực tiếp thông qua việc phối hợp, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số vào các hoạt động thường xuyên của các ban, ngành, đoàn thể. Điển hình, thông qua các lớp bồi dưỡng chính trị tại Trường Chính trị Lê Duẩn, mỗi năm có hơn 340 cán bộ là lãnh đạo Đảng, chính quyền cấp xã được học các chuyên đề về DS – KHHGĐ. Chi cục DS – KHHGĐ đã phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục – Đào tạo đưa công tác truyền thông giáo dục về dân số vào các nội dung, chương trình hoạt động, đào tạo của đơn vị với nhiều hình thức như: mít tinh, nói chuyện chuyên đề…

Các vị thành niên, thanh niên được cán bộ y tế tư vấn, chăm sóc SKSS/KHHGĐ

Bên cạnh đó, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức thành lập hàng trăm CLB “Dân số và Phát triển”, “Nam nông dân với công tác dân số”, “Gia đình không sinh con thứ 3 trở lên”… tại các xã, phường, thị trấn.

Hiệu quả ngoài mong đợi

 Tính đến nay, trên toàn tỉnh có 365 học sinh là thành viên CLB SKSS thanh niên, vị thành niên được tập huấn các kiến thức, kỹ năng về CSSKSS/KHHGĐ; 142 cán bộ Đoàn làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đạt chất lượng; 150 CLB tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân hoạt động tốt với hơn 5.000 hội viên tham gia.

Kết quả, dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ có nhiều biến chuyển qua từng năm, cụ thể, năm 2010: Số người được tư vấn trên 20.100 lượt người; số phụ nữ 15 – 49 tuổi được khám các bệnh lây truyền qua đường sinh dục là 12.560 lượt, đã phát hiện bệnh và cấp thuốc điều trị 6.500 lượt người, số bà mẹ mang thai được khám là 750 người. Năm 2011: Số người được tư vấn tăng lên 34.515 lượt người; bà mẹ có thai được khám 1.124 người; 7.564 lượt phụ nữ từ 15 – 49 tuổi được khám các bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục. Số cặp vợ chồng chấp nhận biện pháp tránh thai là 4.665 cặp, trong đó sử dụng biện pháp tránh thai lâm sàng là 1.263 cặp. Năm 2012, tổng số lượt phụ nữ từ 15 – 49 tuổi được khám các bệnh lây truyền qua đường sinh dục là 8.201 lượt, trong đó được phát hiện bệnh và cấp thuốc điều trị là 5.360 lượt người; xét nghiệm cho hơn 1.259 trường hợp. Đặc biệt năm 2012, nhờ có máy siêu âm xách tay do Tổng cục DS – KHHGĐ cấp cho 2 huyện Vĩnh Linh và Hải Lăng mà số người đến với đội dịch vụ lưu động tăng hơn năm 2011. 

 

Điểm sáng dân số

Là một trong 30 xã được triển khai Đề án trong toàn tỉnh, xã Hải An, huyện Hải Lăng sau 4 năm thực hiện đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ông Phan Quyết Chiến, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết, ngay sau khi triển khai Đề án, Ban dân số xã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông, bằng nhiều hình thức lồng ghép linh hoạt, phong phú như tổ chức văn nghệ dân gian, nói chuyện chuyên đề… đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về công tác dân số; mục đích, ý nghĩa và tính nhân văn của Đề án.

Trong năm 2012, toàn xã đã tổ chức được 3 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ; các chỉ tiêu về biện pháp tránh thai trong chiến dịch đạt 100% kế hoạch. Tổ chức 4 đợt tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân cho 188 người độ tuổi thanh niên và vị thành niên. Đồng thời, duy trì tốt hoạt động của 3 CLB phòng tránh thai ngoài ý muốn và 5 CLB tiền hôn nhân với sự sinh hoạt đều đặn của 240 thành viên.

>>Mục tiêu trong Chiến lược DS – KHHGĐ của Quảng Trị giai đoạn 2011 – 2015: Tiếp tục thực hiện giảm sinh và giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; kiểm soát quy mô dân số ở mức hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!