Với những ưu điểm như giá bán cao, dễ tiêu thụ, hiện tại nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang tất bật dồn sức cho vụ nuôi tôm cuối năm với kỳ vọng sẽ thu được hiệu quả cao nhằm vớt vát lại phần nào những tổn thất do ảnh hưởng của COVID-19.
Những ngày này ông Hoàng Trọng Hùng ở tại thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh đang tất bật với các ao nuôi tôm vừa mới thả giống được gần 1 tháng của mình. Trao đổi với chúng tôi, ông Hùng cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của COVID-19 nên việc tiêu thụ tôm thương phẩm hết sức khó khăn. Không những thế giá tôm còn hạ thấp, có thời điểm chỉ còn 70.000 – 75.000 đồng/kg đối với loại kích cỡ 100 con/kg khiến người nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ. Nhưng sau khi tình hình dịch bệnh từng bước được kiểm soát, thị trường tiêu thụ tôm bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, giá tôm cũng bắt đầu tăng lên.
Hiện tại, theo các thương lái, giá tôm thương phẩm đã tăng mạnh lên trên 120.000 đồng/kg loại 100 con/kg. Theo ông Hùng, vụ nuôi tôm cuối năm có nhiều khó khăn hơn so với nuôi chính vụ do nhiệt độ thấp, mưa nhiều… nên thời gian nuôi phải kéo dài 4 – 5 tháng tôm mới đạt trọng lượng dưới 100 con/kg để thu hoạch. Mặc dù vậy, giá tôm vào thời điểm này thường tăng cao nên người nuôi tôm vẫn có lãi. Như các năm trước, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, giá tôm thường tăng lên 180.000 – 200.000 đồng/kg mà vẫn không có bán. “Hiện tại với 18 vạn tôm giống thả nuôi, tôi dự kiến sẽ thu được khoảng 1,5 tấn tôm thương phẩm vào sau tết Nguyên đán”, ông Hùng cho hay.
Thường xuyên kiểm tra sinh trưởng của tôm nuôi trong ao – Ảnh: T.Q
Cách đó không xa, trang trại nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Vạn cũng đang tấp nập nhân công sửa sang thiết bị tạo ô xy, lắp đặt máy quạt nước đúng vị trí, san bớt mật độ nuôi trong các ao, dồn sức chăm sóc tôm để kịp bán vào dịp tết Nguyên đán. Với diện tích hơn 1 ha, thay vì đào ao lớn hàng ngàn mét vuông như trước đây, ông Vạn chia ra nhiều ao nuôi nhỏ theo dạng bể tròn có diện tích từ 700 – 750 m2.
Toàn bộ ao được lót bạt HDPE, lắp đặt đầy đủ máy quạt nước, hệ thống sục ô xy đáy, có mái che. Ngoài các ao nuôi, hơn một nửa diện tích được ông dùng làm ao chứa để chủ động nguồn nước cấp cho ao nuôi, ngăn ngừa mầm bệnh lây lan từ bên ngoài vào ao nuôi. Tôm giống thả nuôi được đưa vào bể gièo trong 25 – 30 ngày, khi tôm đạt kích cỡ 900 – 1.000 con/kg mới san ra các ao nuôi. Vì mô hình đầu tư khá hiện đại, khép kín nên tôm được thả nuôi với mật độ khá cao, trung bình từ 200 – 300 con/m2 . Ông Vạn cho biết, trước đây khi còn nuôi tôm trong ao đất, vụ nuôi cuối năm người nuôi thường phải “treo ao”, không dám thả nuôi.
Tuy nhiên, nhờ áp dụng công nghệ cao nên trong những năm trở lại đây, vụ nuôi cuối năm ông vẫn có thể thả nuôi bình thường mà không bị ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết, mưa lũ, năng suất cũng ổn định hơn. Vụ nuôi cuối năm do nhiệt độ thấp, tôm giảm ăn, chậm lớn hơn so với nuôi chính vụ. Do vậy, người nuôi tôm phải thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp, tránh dư thừa, vừa thiệt hại kinh tế vừa gây ô nhiễm nguồn nước ao nuôi. Bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, men vi sinh… để tăng sức đề kháng cho tôm.
“Vụ nuôi trước tôi thu được hơn 20 tấn tôm thương phẩm nhưng do giá bán thấp nên sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận chỉ được vài trăm triệu đồng. Hy vọng vụ nuôi này lợi nhuận sẽ cao hơn”, ông Vạn cho hay.
Khác với nuôi tôm ở vùng triều, do không chịu ảnh hưởng của mưa lũ nên hiện tại các diện tích nuôi tôm trên cát ở các địa phương ven biển, tôm nuôi đang phát triển khá tốt. Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Đào Văn Trẩm cho biết, toàn huyện hiện có hơn 80 ha diện tích nuôi tôm trên cát. Hầu hết diện tích đều đang được thả nuôi và chăm sóc, dự kiến thu hoạch vào thời điểm cuối năm và dịp tết Nguyên đán. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết nhưng vụ nuôi cuối năm vẫn được đa số người nuôi tôm trên cát hy vọng do có giá bán cao, dễ tiêu thụ. Để hạn chế những rủi ro, tổn thất, nhiều hộ nuôi tôm đã chuyển đổi từ nuôi truyền thống sang nuôi theo hướng công nghệ cao, nuôi 2 giai đoạn, 3 giai đoạn; đầu tư công nghệ tuần hoàn nước khép kín và các trang thiết bị như máy quạt nước, máy sục khí, dụng cụ đo kiểm môi trường nước và một số dụng cụ thiết yếu khác để kiểm soát chặt chẽ môi trường nuôi, hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết đến tôm nuôi.
“Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, hiện tại giá tôm thương phẩm trên thị trường đang tăng từ 50.000 – 70.000 đồng/kg so với thời điểm chính vụ. Với mức tăng này người nuôi tôm có lãi từ 40.000 – 50.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ tôm. Một số hộ nuôi tôm có kinh nghiệm đã thả nuôi rải vụ nên hiện nay đã có tôm bán với giá cao hơn nhiều so với tôm vụ chính. Hy vọng từ nay đến tết Nguyên đán thời tiết ổn định, dịch bệnh được kiểm soát để tôm được giá”, ông Trẩm chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 1.200 ha nuôi tôm mặn lợ. Nếu như trước đây, người dân chỉ nuôi tôm vụ chính vào thời điểm xuân – hè, thì hiện nay do có sự đầu tư về ao hồ và áp dụng kỹ thuật chăm sóc, nên nhiều hộ nuôi tôm đã tăng cường thêm vụ nuôi cuối năm. Theo ông Nam, nuôi tôm vụ đông thành công sẽ mang lại giá trị rất lớn về kinh tế. Bởi lẽ, đây là vụ nuôi khó, tính rủi ro cao do thời tiết, dịch bệnh, lại thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán nên giá bán cao hơn nhiều so với tôm chính vụ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, người nuôi tôm cần tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như thả nuôi với mật độ vừa phải, không quá dày.
Trong quá trình nuôi, đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc, khi nhiệt độ xuống thấp, cần giảm thức ăn cả về số lượng lẫn số lần cho ăn. Chú ý giữ ổn định môi trường nước, nếu chỉ số các yếu tố môi trường nằm ngoài ngưỡng thích hợp phải có biện pháp xử lý ngay. Khi có hiện tượng mưa lớn xảy ra, cần thực hiện các giải pháp như cân bằng độ pH trong ao, rải vôi xung quanh khu vực ao, tăng cường chạy quạt nước… nhằm tránh nước phân tầng gây thiếu ô xy cục bộ cho tôm nuôi.
Ông Nam cho biết thêm, Chi cục Thủy sản cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các vùng nuôi, tình hình thả giống, thu hoạch các đối tượng nuôi. Thực hiện nhiệm vụ quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, thông báo kết quả tới các địa phương, kèm theo khuyến cáo tới người nuôi. Cử cán bộ về tận địa phương để hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, chống rét nhằm quản lý tốt sức khỏe tôm nuôi vụ cuối năm. Tiếp tục hướng dẫn người dân áp dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao như nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, nuôi trong nhà kính, nuôi theo quy trình an toàn sinh học… để đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, tuyên truyền người nuôi tôm tuân thủ các quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản như điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản, đăng ký nuôi chủ lực, đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.
Thục Quyên
Nguồn: Báo Quảng Trị