Quy định mới về quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bộ NN&PTNT vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

Theo Thông tư mới này (Thông tư số 12/2024/TT-BNNPTNT), đơn vị quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản là đơn vị được Bộ NN&PTNT hoặc Sở NN&PTNT giao thực hiện nhiệm vụ hoặc tổ chức có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường được lựa chọn thực hiện dịch vụ quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.

Đối tượng quan trắc là chất lượng nước vùng nuôi động vật thủy sản được nuôi tập trung theo các quy định hiện hành về phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương (bao gồm chất lượng nước cấp và nước tại cơ sở nuôi).

Các thông số quan trắc bao gồm:

Nhóm I (thông số môi trường thông thường): PH, nhiệt độ, độ mặn/độ dẫn điện, độ kiềm, độ trong, TSS (chất rắn lơ lửng).

Nhóm II (thông số hữu cơ và dinh dưỡng): DO, BOD5, COD, TOC, N-NH4, N-NO3, N-NO2, P-PO4, SO42-, S2-/H2S.

Nhóm III (thông số vi sinh): Coliform, E.coli, Vibrio spp., Aeromonas spp. và các tác nhân khác gây bệnh ở động vật thủy sản nuôi.

Nhóm IV (thực vật phù du): Tảo, tảo độc hại, chlorophyll a.

Nhóm V (thuốc bảo vệ thực vật): Nhóm Clo hữu cơ, nhóm lân hữu cơ, nhóm carbamate, nhóm cúc tổng hợp, nhóm neonicotinoid, nhóm avermectin, thuốc trừ cỏ và tổng độ phóng xạ a, b.

Nhóm VI (kim loại nặng): Cu, Pb, Zn, Cd, As, Hg, Cr3+, Cr6+, Ni, Mn, Al và Fe tổng số (Fets).

Nhóm khác (các chất hữu cơ gây ô nhiễm): Chất hoạt động bề mặt, dầu, mỡ, phenol, CN.

Cũng theo quy định tại Thông tư số 12, đơn vị thực hiện quan trắc môi trường gửi báo cáo và bản tin thông báo kết quả quan trắc đến Cục Thủy sản và cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh trong thời hạn không quá 03 ngày, kể từ khi thu mẫu, đối với các thông số Nhóm I, II (trừ BOD5) và không quá 07 ngày đối với thông số BOD5 và thông số nhóm III, IV, V, VI và nhóm khác.

Về việc lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh, trong vòng 01 ngày kể từ khi kết thúc việc lấy mẫu, mẫu phải được gửi đến phòng thử nghiệm.

Khi nhận được mẫu bệnh phẩm, phòng thử nghiệm có trách nhiệm thu thập thông tin về mẫu, tổ chức xét nghiệm và trả lời kết quả cho tổ chức, cá nhân gửi mẫu trong thời hạn không quá 02 ngày đối với bệnh do virus, ký sinh trùng; không quá 04 ngày đối với bệnh do vi khuẩn, nấm; không quá 07 ngày đối với việc chẩn đoán, xét nghiệm tìm tác nhân.

Về xét nghiệm mẫu để xác định mầm bệnh

Trường hợp nghi ngờ, phát hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới, mẫu bệnh phẩm phải được gửi tới phòng thử nghiệm thuộc Cục Thú y để tổ chức xét nghiệm theo quy trình, hướng dẫn của Cục Thú y hoặc của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng thủy sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương (NACA).

Trường hợp sử dụng kết quả xác định mầm bệnh để kết luận ổ dịch, công bố dịch, ban hành quyết định tiêu hủy, mẫu bệnh phẩm phải được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm thuộc Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (lĩnh vực thử nghiệm liên quan đến các chỉ tiêu xét nghiệm bệnh động vật) theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Phòng thử nghiệm sử dụng quy trình, phép thử theo phương pháp đã phê duyệt trên cơ sở hướng dẫn của Cục Thú y hoặc theo hướng dẫn của WOAH/ NACA.

Trường hợp sử dụng kết quả xét nghiệm để phục vụ chương trình giám sát dịch bệnh, dự báo, cảnh báo dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền, mẫu phải được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (lĩnh vực thử nghiệm liên quan đến các chỉ tiêu xét nghiệm bệnh động vật) theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và phải sử dụng quy trình, phép thử theo hồ sơ phương pháp đã được phê duyệt.

Căn cứ tình hình dịch bệnh động vật thủy sản, Cục Thú y ban hành hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch đối với một số bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản.

Về trình tự thực hiện tiêu hủy

Căn cứ kết quả xét nghiệm xác định mầm bệnh của phòng thử nghiệm quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 6 Điều 14 Thông tư này hoặc văn bản của Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kết luận động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm hoặc tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới theo quy định của pháp luật, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để tổ chức tiêu hủy động vật thủy sản; báo cáo Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh để theo dõi và hỗ trợ chuyên môn.

Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh theo quy định của pháp luật về thú y và pháp luật khác có liên quan.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ban hành quyết định tiêu hủy, Tổ tiêu hủy có trách nhiệm triển khai thực hiện khoanh vùng ổ dịch, tổ chức tiêu hủy và lập biên bản tiêu hủy theo quy định hiện hành.

Chi phí tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh và xử lý ổ dịch thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Về công bố dịch và tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản

Việc công bố dịch thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật Thú y và tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản trong vùng có dịch thực hiện theo quy định tại Điều 35 Luật Thú y. Và việc công bố hết dịch bệnh động vật thủy sản thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật Thú y.

Cũng theo Thông tư mới này, trong trường hợp có dịch bệnh đối với các bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch hoặc bệnh mới mà trong nước chưa có sẵn thuốc thú y để phòng, chống dịch bệnh, Cục Thú y trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quyết định việc sử dụng thuốc thú y chưa được lưu hành tại Việt Nam để phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp theo quy định tại điểm c, khoản 6 Điều 15 Luật Thú y.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!