Quy định yêu cầu kỹ thuật kiểm nghiệm thực phẩm thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về yêu cầu kỹ thuật kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản.

Thông tư này quy định về yêu cầu kỹ thuật kiểm nghiệm một số chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản có quy định giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu (MRPL) thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT; Thực phẩm thủy sản xuất khẩu áp dụng theo quy định của quốc gia nhập khẩu và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Đối tượng áp dụng

Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước được Bộ NN&PTNT đánh giá, chỉ định đủ năng lực kiểm nghiệm một số chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT ngày 1/8/2013 quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước (sau đây gọi là cơ sở kiểm nghiệm).

Cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm thủy sản và các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thủy sản.Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản.

 

Yêu cầu kỹ thuật

Điều 4. Mức MRPL và giá trị CC đối với một số hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản

1. Mức MRPL đối với một số hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Giá trị CC đối với từng chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản phải nhỏ hơn hoặc bằng giá trị MRPL tương ứng nêu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Mức MRPL đối với một số hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản

Điều 5. Yêu cầu đối với cơ sở kiểm nghiệm

1. Đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đối với cơ sở kiểm nghiệm quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT ngày 1/8/2013 quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước.

2. Xác định giá trị CC cua phương pháp kiểm nghiệm theo Mục 3.1.2.6 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 2002/657/EC ngày 17/8/2002 của Ủy ban châu Âu và công bố giá trị CC đối với chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong phiếu kết quả kiểm nghiệm tương ứng.

3. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá, chỉ định là cơ sở kiểm nghiệm một số chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản có quy định MRPL phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ NN&PTNT theo quy định tại Thông tư này.

Điều 6. Thông báo kết quả kiểm nghiệm và biện pháp xử lý đối với thực phẩm thủy sản

Cơ sở kiểm nghiệm thông báo kết quả kiểm nghiệm phù hợp với Mẫu phiếu kiểm nghiệm quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư liên tịch số 20 và biện pháp xử lý tương ứng theo 3 khả năng sau:

1. Trường hợp kết quả kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm thấp hơn giá trị CC: cơ sở kiểm nghiệm thông báo kết quả “không phát hiện”; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản được phép lưu thông, tiêu thụ thực phẩm thủy sản.

2. Trường hợp kết quả kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm lớn hơn hoặc bằng giá trị CC va nhỏ hơn giá trị MRPL: cơ sở kiểm nghiệm thông báo kết quả “dưới ngưỡng MRPL”; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản được phép lưu thông, tiêu thụ thực phẩm thủy sản trên thị trường và lưu trữ đầy đủ hồ sơ về các trường hợp thông báo kết quả “dưới ngưỡng MRPL”.

Nếu có 4 lô hàng sản xuất bị thông báo kết quả “dưới ngưỡng MRPL” trong vòng 6 tháng với cùng loại sản phẩm thủy sản và chỉ tiêu kiểm nghiệm thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản phải tiến hành rà soát toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh và hệ thống quản lý ATTP để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các nội dung không phù hợp (nếu có).

3. Trường hợp kết quả kiểm nghiệm hóa chất, kháng sinh cấm hơn hơn hoặc bằng giá trị MRPL: cơ sở kiểm nghiệm thông báo kết quả “vượt ngưỡng MRPL”; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản phải thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm và thu hồi, xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 54, 55 Luật An toàn thực phẩm.

 

Trách nhiệm của các bên

Cơ sở kiểm nghiệm

– Đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật kiểm nghiệm theo quy định tại Điều 5 Thông tư này;

– Đảm bảo độ tin cậy, chính xác đối với kết quả kiểm nghiệm và thông báo kết quả kiểm nghiệm theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;

– Tuân thủ chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và chế độ kiểm tra, giám sát về hoạt động kiểm nghiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đánh giá, chỉ định Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản

– Thực hiện các biện pháp xử lý đối với thực phẩm thủy sản theo quy định tại Điều 6 Thông tư này;

– Lưu trữ đầy đủ hồ sơ về các trường hợp được cơ sở kiểm nghiệm thông báo kết quả kiểm nghiệm, biện pháp xử lý đối với thực phẩm thủy sản và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về ATTP khi được yêu cầu.

Cơ quan quản lý nhà nước về đánh giá, chỉ định cơ sở kiểm nghiệm

– Tổ chức hướng dẫn, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các Cơ sở kiểm nghiệm;

– Cập nhật quy định về mức MRPL đối với các hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản theo quy định tại Thông tư này;

– Đánh giá chỉ định cơ sở kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm trong thực phẩm thủy sản đã được quy định MRPL.

Cơ quan quản lý nhà nước về ATTP

Có trách nhiệm thẩm tra việc thực hiện của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thủy sản theo quy định tại Điều 6 Thông tư này trong quá trình thanh tra, kiểm tra và thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định hiện hành.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!