(TSVN) – Tỉnh Ninh Thuận xác định sản xuất tôm giống là một trong những ngành kinh tế quan trọng, chiến lược của tỉnh. Chính vì thế, tỉnh liên tục có sự đầu tư phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng.
Tỉnh Ninh Thuận với vị trí gần biển nên có lợi thế tự nhiên, địa lý, môi trường rất thuận lợi cho sản xuất tôm giống. Hiện, tỉnh Ninh Thuận đã vươn lên trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước, mỗi năm cung cấp khoảng 40 – 50 tỷ con tôm giống ra thị trường, đáp ứng 35 – 40% nhu cầu nuôi của cả nước. Thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận” cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu,…
Tỉnh Ninh Thuận đã vươn lên trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước. Ảnh: Minh Phú
Đầu năm 2022, UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt Đề án Phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu, phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước theo hướng đầu tư đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vi sinh, công nghệ di truyền chọn giống, công nghệ xử lý nước, công nghệ thông tin, công nghệ số,… để nâng cao chất lượng tôm giống, đưa tôm giống Ninh Thuận trở thành ngành sản xuất hàng hóa có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải. Phấn đấu phát triển vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải trở thành khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao đầu tiên của cả nước; Đầu tư cơ ở hạ tầng khu sản xuất tôm bố mẹ Sơn Hải – Phước Dĩnh theo hướng công nghệ cao.
Đề án phấn đấu đến năm 2025 sản lượng tôm giống của Ninh Thuận đạt 50 tỷ con giống, đồng thời chủ động sản xuất được 30% TTCT bố mẹ gia hóa, 40% tôm sú bố mẹ gia hóa có chất lượng cao và sạch bệnh, qua đó tiếp tục cung cấp cho nghề nuôi tôm thương phẩm cả nước những con giống có chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của ngành tôm Việt Nam.
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 – 2025) cũng nhấn mạnh việc phát triển Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước; ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện công bố quy hoạch 1/2.000, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư và tìm kiếm nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh cho các vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ công nghệ cao Sơn Hải.
Ngày 12/8/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch số 3656/KH-UBND thực hiện Đồ án Quy hoạch khu tỷ lệ 1/2.000 vùng sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải đến năm 2030.
Mục tiêu, cụ thể hóa định hướng của đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải giai đoạn 2021 – 2030 đã được phê duyệt trên cơ sở xác định nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành theo từng lĩnh vực quản lý để triển khai chỉ đạo, điều hành thực hiện đúng mục tiêu, tầm nhìn và định hướng phát triển theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, xác định danh mục các dự án đầu tư xây dựng, xác định nguồn lực thực hiện đảm bảo khả thi, kịp thời theo đúng tiến độ và trình tự ưu tiên.
Về quy mô, xây dựng vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải giai đoạn 2021 – 2030 có tổng diện tích là 205,7 ha, trong đó: Vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải (xã An Hải, huyện Ninh Phước) có diện tích khoảng 168 ha và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) có diện tích khoảng 37,7 ha.
Vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải được bố trí theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, đáp ứng tiêu chí công nghệ cao,…
Trên cơ sở nội dung Đồ án Quy hoạch, các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng kế hoạch của từng đơn vị phù hợp theo tính chất, mục tiêu và định hướng phát triển theo quy hoạch phân khu đã xác định. Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng kỹ thuật của vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải phải đồng bộ, hoàn chỉnh, gắn kết hiệu quả với mạng lưới hạ tầng kỹ thuật chung của Khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời triển khai phối hợp chặt chẽ công tác xúc tiến thu hút đầu tư và tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch.
Đặc biệt, giai đoạn 2026 – 2030, Đồ án sẽ triển khai xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất của vùng sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ công nghệ cao Sơn Hải: Các trạm bơm nước ngọt, hệ thống dẫn thải và khu tập trung xử lý nước thải, cây xanh,… Cơ bản hoàn thành các công trình hạ tầng khung: Hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống nước ngọt,…; Di dời các cơ sở sản xuất giống thủy sản tại khu vực phía Đông từ trục Tỉnh lộ 701 có nhu cầu vào khu vực quy hoạch: Có khoảng 100 cơ sở với diện tích khoảng 33 ha khu vực phía Đông của Tỉnh lộ 701 thuộc diện cần di dời vào vùng quy hoạch. Đối với các cơ sở có nhu cầu, vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải định hướng phân lô cho 100 cơ sở, với diện tích mỗi lô khoảng 4.000 m². Đồng thời, tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư tại vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải.
Ninh Thuận hiện có 453 cơ sở với hơn 1.200 trại sản xuất tôm giống, tổng công suất bể ương giống hơn 145.630 m³. Hoạt động sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư và phát triển, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia.
Bảo Hân