THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

T2, 06/07/2020 01:31

Quy trình sử dụng máy thu lưới thủy lực trên tàu lưới rê tầng đáy tại Quảng Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, nghề lưới rê tầng đáy ở Quảng Nam còn mang tính chất thủ công và bán cơ giới, làm nảy sinh rất nhiều khó khăn, tồn tại trong quá trình hoạt động như: số mẻ lưới khai thác giảm; thời gian thu thả lưới kéo dài làm giảm năng suất lao động, an toàn lao động không đảm bảo, chi phí sản xuất tăng.

Việc thực hiện “Nghiên cứu ứng dụng, cải tiến máy thu lưới thủy lực cho tàu lưới rê tầng đáy ở Quảng Nam” sẽ giúp đội tàu lưới rê tầng đáy khắc phục được những hạn chế trên.

Cấu tạo máy thu lưới thủy lực

Máy thu lưới thủy lực do đề tài nghiên cứu và lắp đặt trên tàu lưới rê tầng đáy ở Quảng Nam có cấu tạo như hình 1: 

     

Chú thích: 1: Động cơ lai, 2: Bộ ly hợp, 3: Bơm dầu, 4: Két dầu, 5: Sinh hàn, 6: Van điều chỉnh, 7: Đường dầu đi, 8: Đường dầu về, 9: Đường dầu hồi, 10: Con lăn dẫn hướng chính, 11: Con lăn dẫn hướng phụ 12: Tang tời, 13: Con lăn, 14: Mâm tời, 15: Đế tời, 16: Động cơ thủy lực hình sao

Quy trình sử dụng

Sơ đồ: Quy trình khai thác sử dụng máy thu lưới thủy lực

Các bước thực hiện quy trình

Bước 1: Chuẩn bị thả lưới

Để chuẩn bị thả lưới các thủy thủ cần thực hiện một số công việc sau:

– Kiểm tra lại toàn bộ hệ thống dây đầu cờ, đá rằng, phao cờ, đèn chớp;

– Kiểm tra phía mạn thả lưới xem có còn thiết bị, vật dụng nào làm cản trở quá trình thả lưới hay không.

Bước 2: Thả lưới

Khi đến thời điểm thả lưới, thuyền trưởng xem xét xác định hướng nước, hướng gió để quyết định hướng thả lưới. Khi thả lưới tàu cho chạy lùi với tốc độ thả lưới từ 3,5 – 4,5 hải lý/giờ tùy thuộc vào điều kiện sóng gió, nước. Hướng thả chếch với hướng nước một góc 300 – 450.  Khi thuyền trưởng ra lệnh thả lưới thì thủy thủ số 6 thả cờ và phao ganh xuống biển. Khi thả dây cờ gần hết thì thủy thủ số 1 và số 3 thả đầu phao, dây giềng phụ và đầu chì lưới xuống biển. Trong quá trình thả lưới, thủy số 4 và số 5 chuyển dần lưới ở giữa tàu ra gần mạn trái để thủy thủ số 2 chuyển từng phần chì của cheo lưới lên mạn tàu để lưới tháo ra. Thủy thủ số 5 có nhiệm vụ xử lý các tình huống lưới móc vào nhau. Thủy thủ số 2 có nhiệm vụ xử lý khi dây giềng phụ bị vướng vào nhau hoặc vướng vào phao lưới. Khi thả được 30 cheo lưới thì thả thêm một cờ lưới.

Quy trình thả lưới được thực hiện liên tục cho đến khi lưới được thả xong. Sơ đồ bố trí nhân lực khi thả lưới như hình 3.

Hình 3: Bố trí nhân lực thả lưới rê tầng đáy

Bước 3: Ngâm lưới

Tùy thuộc vào thời điểm khai thác mà thuyền trưởng quyết định thời gian ngâm lưới. Trong quá trình ngâm lưới, thuyền trưởng xem xét các tình huống có thể xảy ra để có phương án xử lý kiệp thời, tàu thường xuyên giữ phía đầu lưới nếu nếu phát hiện có tàu lưới kéo hoạt động gần vàng lưới thì cho tàu chạy vào giữa vàng lưới để quan sát nhằm đảm bảo an toàn cho vàng lưới. Thời gian ngâm lưới thường là từ 4 – 6h.

Bước 4: Thu lưới, gỡ cá

Khi chuẩn bị thu lưới thì thuyền trưởng khởi động động cơ truyền động cho tời thủy lực và cố định ở một mức ga hoạt động. Khi tời đã sẵng sàng làm việc thuyền trưởng điều khiển tàu chạy theo hướng của vàng lưới với tốc độ phù hợp để thủy thủ số 1 và số 2 thu dây giềng dắt. Dây giềng dắt được dẫn tới tang của tời thủy lực thông qua các con lăn dẫn hướng chính và phụ. Khi thu hết dây giềng dắt đến đầu lưới thủy thủ số 3 và số 4 bắt đầu thu lưới. Thủy thủ số 5 có nhiệm vụ xếp lưới và chuyển cá cho các thủy thủ số 6, 7, 8, 9, 10, gỡ cá. Thủy thủ số 1 tiếp tục điều khiển tời thu dây giềng phụ thông qua hoạt động của tời thủy lực. Nhiệm vụ của thủy thủ số 2 lúc này là sắp xếp dây giềng phụ xuống khoang theo thứ tự, gọn gàng, tránh làm rối dây. Thủy thủ số 1 ngoài việc điều khiển tời thủy lực còn phải xử lý các trường hợp khi dây liên kết giữa giềng phụ và giềng phao bị xoắn. Khi cá đóng ít thì điều khiển để tăng tốc độ thu dây giềng phụ, khi cá đóng nhiều thì sẽ giảm tốc độ thu để các thủy thủ khác gỡ cá hoặc dừng tời lại để các thao tác thực hiện khác phù hợp với tốc độ thu lưới. Quá trình thu lưới được thực hiện liên tục, lưới thu đến đâu thì gỡ cá đến đó. Khi cá được một lượng nhất định từ 20 – 30 kg, một thủy thủ đang gỡ cá sẽ chuyển sang phân loại, rửa sạch và đưa vào hầm bảo quản tạm thời.

Hình 4: Bố trí nhân lực thu lưới rê tầng đáy

Bước 5: Chuẩn bị mẻ sau

– Rửa sạch boong thao tác, điều động tàu về vị trí đánh bắt mới

– Kiểm tra và sắp xếp lại lưới, nếu có hư hỏng thì phải tiến hành sửa chữa ngay

– Quan sát tình hình thời tiết, hướng nước, hướng gió

– Liên lạc với các tàu khai thác trong cùng một ngư trường để thông báo khu vực mình sắp thả lưới. Nếu trong khu vực thả lưới không an toàn thì phải có biện pháp xử lý kịp thời.

Hiệu quả kinh tế – xã hội

– Năng suất khai thác trung bình đạt 124,2 + 14,6 kg/mẻ.

– Năng suất lao động theo sản lượng khai thác trung bình khoảng 15,5 kg/người/mẻ cao hơn so với tàu không lắp máy thu lưới thủy lực khoảng 1,3 lần.

– Thời gian trung bình thu một cheo lưới khoảng 91,8 giây/cheo lưới, thời gian này ít hơn khi sử dụng tời cơ ma sát khoảng 45 giây/cheo lưới.

– Giảm được 2 lao động khi áp dụng máy thu lưới thủy lực cho nghề lưới rê tầng đáy.

– Mức độ an toàn cho người lao động khi sử dụng tời thủy lực cao hơn so với tời cơ ma sát.

Phan Đăng Liêm, Phạm Văn Tuấn, Đỗ Văn Thành (Viện Nghiên cứu Hải sản)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!