(TSVN) – Quy trình ương cá chẽm có khả năng nhân rộng, đáp ứng yêu cầu của các trang trại vừa và nhỏ, từ đó giúp chủ động sản xuất con giống đạt chất lượng theo nhu cầu thả nuôi và thương mại.
Bể có thể tích khoảng 8 – 15 m3, hệ thống bể ương và tất cả các trang thiết bị dụng cụ trong trại sản xuất đều phải được tẩy trùng bằng Chlorine với nồng độ 40 ppm, để khô 1 – 2 ngày và sau đó rửa lại bằng nước ngọt trước khi đưa vào sử dụng.
Hệ thống sục khí được bố trí tùy theo thể tích bể ương, ở giai đoạn ấu trùng mới nở phải sục khí nhẹ hơn nhằm hạn chế sốc và gây stress cho cá, sau đó tăng mạnh dần ở các giai đoạn sau.
Ảnh: Mainstreamaquaculture
Lấy nước vào bể ương qua túi lọc có kích thước mắt lưới 50 µm, mực nước khoảng 50% thể tích bể ương. Bổ sung tảo xanh (Nannochloropsis oculata) vào bể ương với mật độ khoảng 0,5 triệu tế bào/ml. Mật độ tảo được giữ ổn định qua các giai đoạn ấu trùng.
Ấu trùng sau khi nở trong hệ thống bể ấp được chọn lọc và chuyển sang bể ương bằng ống dây nhựa có đường kính 27 – 32 mm để tránh ảnh hưởng đến ấu trùng do tác động cơ học.
Ấu trùng khỏe thường bơi lội nhiều trên bề mặt và xung quanh thành bể vì vậy cần chọn lọc và xiphong những trứng ung và ấu trùng yếu lắng ở đáy ra.
Trước khi chuyển ấu trùng sang bể ương cần thiết phải định lượng ấu trùng trong bể ấp, mật độ ấu trùng ban đầu là 30 – 90 con/lít. Trong quá trình ương nuôi cá được san thưa dần với mật độ 10 – 20 con/lít.
Trong 2 ngày đầu, cá sử dụng toàn bộ bằng noãn hoàng, sang ngày thứ 3 ấu trùng bắt đầu ăn thức ăn ngoài. Luân trùng được xem là thức ăn đầu tiên cho giai đoạn sau noãn hoàng, mật độ luân trùng trong bể ương phải đảm bảo duy trì từ 15 – 20 ct/ml nước trong bể ương nuôi. Đến ngày thứ 12 ấu trùng có khả năng ăn được Nauplius của Artemia, trong quá trình cho ấu trùng ăn Nauplius Artemia vẫn tiếp tục bổ sung luân trùng vào bể ương.
Mật độ Artemia nauplius duy trì trong bể từ 3 – 5 ct/ml, được cấp 2 lần/ngày. Thức ăn tổng hợp được sử dụng cho ấu trùng cá Chẽm thường dùng là INVE loại: 3/5, 4/6, 5/8 và G8 (loại chuyên dùng cho cá biển).
Trong tự nhiên cá ăn thức ăn tươi sống, nên trong sản xuất giống cần phải tập cho cá ăn dần thức ăn công nghiệp cho đến khi chúng có khả năng bắt mồi chủ động. Cho ăn theo nhu cầu sử dụng của cá, ngày cho ăn 6 lần, thời gian mỗi lần cách nhau 2 giờ.
Cá chẽm rất nhạy cảm với môi trường nuôi, vì vậy, cần giữ cho môi trường trong bể ương ổn định nhằm giảm stress cho cá, nếu stress kéo dài sẽ tăng cơ hội mầm bệnh xuất hiện. Do đó, các yếu tố môi trường phải được theo dõi hàng ngày, khi có dấu hiệu khác thường phải kịp thời xử lý.
Vào ngày thứ 3, cần tiến hành xiphong đến khi thu hoạch, nhằm loại bỏ trứng thối, xác tảo vụn hay một số chất lắng dưới đáy bể ấu trùng để môi trường nước ổn định và hạn chế mầm bệnh. Thời gian xiphong thích hợp là vào buổi chiều sau khi cho ăn thức ăn tổng hợp, tần số xiphong tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cá và môi trường bể ương.
Ngày thứ 5 đến ngày thứ 14 sau khi ương ấu trùng, nước được thay từ 15 – 50% lượng nước trong bể, từ ngày 15 đến ngày 30 sau khi ương thay nước khoảng 50 – 80% lượng nước trong bể, sau đó hàng ngày nước được thay 100% cho đến khi thu hoạch. Trong quá trình thay nước, nước từ bể ương chảy ra qua ống thoát nước có lưới bao bọc, kích thước mắt lưới thay đổi theo từng giai đoạn ấu trùng. Thay nước là biện pháp cần thiết nhằm ổn định chất lượng nước nuôi cho ấu trùng, hạn chế được mầm bệnh.
Tảo đơn bào Nannochoropsis được cấp vào bể nuôi ấu trùng ngay từ ngày thứ 2 nhằm mục đích ổn định môi trường nuôi và làm thức ăn cho luân trùng. Nếu như trong bể ương có sự biến động lớn về mật độ tảo thì ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước bể ương. Vì vậy, cần phải quản lý mật độ tảo thông qua màu nước trong bể ấu trùng, duy trì mật độ thích hợp khoảng 0,5 x 106 tb/ml,ổn định trong bể ương.
Nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt do cá ăn lẫn nhau nên việc phân cỡ cá là rất cần thiết trong sản xuất giống. Ấu trùng cá chẽm đạt ở 30 ngày tuổi, khoảng 30 – 40% cá trong bể chuyển sang màu trắng vàng thì tiến hành phân cỡ cá, sau đó định kỳ từ 7 – 10 ngày/lần, tùy vào tỷ lệ phân đàn để xác định thời điểm phân cỡ phù hợp.
Trong quá trình phân cỡ cá, tiến hành rút nước bể cá, sử dụng vợt vớt cá, chuyển cá sang bể mới đã chuẩn bị lưới lọc cá hoặc dụng cụ phân cỡ cá chuyên dụng.
Dụng cụ để phân cỡ là lưới có kích thước mắt lưới khác nhau, mỗi lần phân cỡ dùng 2 cỡ mắt lưới để phân loại kích cỡ cá lớn, trung bình và nhỏ.
Cá sau 50 ngày tuổi có kích cỡ trung bình 2 – 3 cm thì có thể tiến hành thu hoạch, tùy theo nhu cầu thị trường. Khi thu hoạch phải hạ mức nước trong bể ương xuống thấp, cá được thu bằng vợt và được chuyển bằng xô nhỏ, các thao tác hết sức nhẹ nhàng tránh gây sốc cho cá.
Trước khi thu hoạch nên phân cá cùng một kích thước để hạn chế tỷ lệ chết do quá trình ăn nhau. Đồng thời không nên cho cá ăn no để tránh trường hợp cá bị chết nhiều trong quá trình vận chuyển.
Nếu thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật thì sau thời gian ương nuôi khoảng 40 -50 ngày, cá đạt cỡ 2 – 3 cm, tỷ lệ sống của ấu trùng lớn hơn 25%. Sau khi thu hoạch cá có thể bán ra thị trường, hoặc chuyển sang ương nuôi tiếp.
Thái Thuận