Quyết nâng cao chất lượng tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tôm là ngành hàng mang lại giá trị xuất khẩu “tỷ đô” cho Việt Nam, do vậy, công tác quản lý trên lĩnh vực này thời gian qua đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ với mong muốn nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Đáp ứng đủ nhu cầu

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm nước lợ của nước ta năm 2021 đạt 737 nghìn ha, cơ bản không tăng so với năm 2020; trong đó diện tích nuôi tôm sú 622 nghìn ha, nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) 115 nghìn ha. Ước sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2021 đạt 931 nghìn tấn, tăng 5,5% so cùng kỳ năm 2020; trong đó sản lượng tôm sú đạt 265 nghìn tấn và TTCT là 666 nghìn tấn.

Nhu cầu tôm giống hàng năm của nước ta khoảng 130 tỷ con (100 tỷ con TTCT và 30 tỷ con tôm sú). Trong năm 2021, cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, sản lượng ước đạt 144,5 tỷ con, tăng 11% so cùng kỳ năm 2020, hoàn toàn đủ để đáp ứng nhu cầu trên.

Tôm là ngành hàng mang lại giá trị xuất khẩu cao cho nước ta khi đây là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2021, đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so năm 2020 và dự báo sẽ tăng khoảng 10%, đạt kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD năm 2022. Vì vậy, công tác quản lý sản xuất tôm giống nước lợ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản. Tính đến nay, nước ta đã hình thành được các vùng trọng điểm sản xuất tôm giống, bước đầu làm chủ được các công nghệ sản xuất và đã hình thành đội ngũ doanh nhân trong khâu sản xuất tôm giống.

Nguồn: TSVN

 

Vào cuộc quyết liệt

Mặc dù hiện nay, số lượng con giống tôm nước lợ đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, tuy nhiên, riêng về tôm bố mẹ, kết quả nghiên cứu, chọn tạo còn hạn chế. Tôm bố mẹ hiện phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc, nhất là trong bối cảnh COVID-19, việc nhập khẩu tôm bố mẹ gặp nhiều khó khăn do đường bay bị hạn chế.

Bên cạnh đó, thực tế, vào mùa cao điểm thả giống, tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm vẫn còn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Đồng thời, nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở không đảm bảo điều kiện, cung cấp con giống ra thị trường gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hiểu rõ điều này nên cùng với việc thúc đẩy sản xuất tôm giống, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đã vào cuộc quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức cá nhân chưa tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ.

Tháng 1/2021 tại Sóc Trăng, Bộ NN&PTNT tổ chức ký Quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ giữa các địa phương. Kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương và công tác kiểm tra của Tổng cục Thủy sản cho thấy, việc cung cấp thông tin từ các địa phương sản xuất, cung ứng tôm giống đến các địa phương vùng tiêu thụ được kịp thời, giảm rõ rệt số lượng tôm giống không qua kiểm dịch, tôm giống kém chất lượng. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nước lợ tự nâng cao chất lượng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: “Trong năm 2022 sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ vật tư thủy sản, giống thủy sản; Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về quản lý giống thủy sản; Xử lý nghiêm vi phạm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”.

>> Năm 2021, tổng số tôm bố mẹ sản xuất trong nước là 21.000 con TTCT bố mẹ và 20.000 con tôm sú bố mẹ (bằng 100% so năm 2020). Tổng số tôm bố mẹ nhập khẩu là 240.273 con TTCT bố mẹ (bằng 95,1% so năm 2020) và 532 con tôm sú bố mẹ (bằng 100% so năm 2020).

Hải Băng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!