Khu bảo tồn biển (KBTB) Phú Quốc (Kiên Giang) được thành lập năm 2007, mục đích nhằm bảo vệ tái tạo rạn san hô, các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Việc thành lập KBTB Phú Quốc góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở Kiên Giang và cả nước.
Đa dạng sinh học
Phú Quốc được đánh giá là ngư trường có trữ lượng thủy sản vào khoảng 460 ngàn tấn. Ngoài cá, Phú Quốc còn có nhiều loài hải sản có giá trị, như tôm, mực, ghẹ, ốc nhảy, trai ngọc, nghêu lụa, cá ngựa, hải sâm… Ngành thủy sản đã góp phần tạo nguồn thu nhập và tạo việc làm cho người dân trên đảo.
Theo kết quả từ các cuộc điều tra, ngư trường biển đảo Phú Quốc có 108 loài san hô thuộc 2 nhóm san hô cứng và san hô mềm; có 135 loài cá rạn san hô; 3 loài cá di cư và 132 loài thân mềm cùng nhiều loài thú biển sinh sống, kiếm ăn. Đặc biệt, tại vùng biển này còn xuất hiện loài động vật quý hiếm như Dugong, rùa biển, cá heo,…
KBTB Phú Quốc bao gồm 18 hòn đảo lớn nhỏ nằm ở khu vực Đông Bắc, Đông Nam đảo Phú Quốc và khu vực phía Nam quần đảo An Thới với tổng diện tích trên 26.000ha chia làm 3 vùng: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển. Đây là KBTB thứ 3 của Việt Nam được thành lập sau KBTB ở vịnh Nha Trang và KBTB Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và là 1 trong 5 hợp phần của chương trình hợp tác phát triển giữa Đan Mạch và Việt Nam về môi trường.
Theo ông Trần Chí Viễn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, KBTB sẽ bảo vệ đa dạng sinh học, đặt biệt là tập trung thảm cỏ biển và san hô. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ về nghiên cứu đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức và sinh kế cho ngư dân trong vùng này.
Cần chung tay bảo vệ
Mặc dù rạn san hô trong vùng lõi trung KBTB Phú Quốc được xem là còn trong tình trạng khá tốt. Song, ở một số vùng đã bị hủy hoại do tình trạng khai thác thủy sản của người dân và ảnh hưởng của thời tiết. Riêng thảm cỏ biển ở phía Đông Bắc huyện Phú Quốc có nguy cơ bị phá hủy do tác động của khai thác hải sản. Vì vậy, một số loài động vật quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng. Do đó việc hình thành KBTB Phú Quốc được xem là nhu cầu cấp bách đối với ngành quản lý biển hiện nay.
Thường xuyên tuyên truyền cho người dân không vào khu bảo tồn biển đánh bắt hải sản.
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là KBTB huyện Phú Quốc, ngay khi được thành lập, Ban Quản lý KBTB Phú Quốc tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức để cùng chung tay bảo vệ hệ sinh thái đa dạng sinh học trong KBTB Phú Quốc.
Ông Nguyễn Đinh Học, Trưởng phòng đa dạng sinh học KBTB Phú Quốc, cho biết: “Chúng tôi mong muốn chuyển tải thông tin về bảo tồn biển, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học cho KBTB đến cộng đồng. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến lực lượng trẻ, là hạt nhân sau này sẽ làm nòng cốt trong việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật biển quý hiếm và bảo vệ tài nguyên biển trên huyện đảo Phú Quốc, tuyên truyền cho du khách, cho cộng đồng dân cư để góp phần bảo vệ, phát triển bền vững”.
Cùng với công tác truyền thông, các tổ chức hỗ trợ KBTB đã có nhiều động thái tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân địa phương; đồng thời thành lập 3 tổ tình nguyện cộng đồng ở 3 xã Bãi Thơm, Hàm Ninh và Hòn Thơm vừa gắn kết đánh bắt hải sản vừa tham gia phối hợp theo dõi, giám sát các tàu thuyền hoạt động trong khu bảo tồn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng như Đồn Biên phòng 750 còn phối hợp tốt với Ban Quản lý KBTB thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong khu bảo tồn san hô; nhắc nhở ngư dân không được neo đậu tàu thuyền ở trong vùng bảo tồn; hướng dẫn cho khách du lịch chấp hành quy chế hoạt động trong khu bảo tồn.
Những nỗ lực này bước đầu đã đạt được kết quả khá tốt trong công tác quản lý KBTB Phú Quốc, góp phần nâng cao giá trị kinh tế biển gắn với phát triển đa dạng sinh học ở Kiên Giang.