RAS nổi – mô hình nuôi biển trong tương lai

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Next Tuna, một công ty của Đức đã phát triển mô hình nuôi thủy sản RAS nổi trên biển để ứng phó các thách thức biến đổi khí hậu với chi phí đầu tư và hiệu quả đều tối ưu so với RAS trên đất liền.

Next Tuna đã hợp tác với công ty Seafarming Systems của Na Uy để thiết kế hệ thống nuôi thủy sản RASxFloater. Seafarming Systems là một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế lồng nổi khép kín và nửa kín. Hãng công nghệ Na Uy cũng là nhà sáng chế hệ thống lồng nuôi cá hồi nửa kín Aquatraz với đường kính 51m và thể tích 63.000 m³. 

RASxFloater là mô hình linh hoạt, có thể kéo ra xa hoặc đưa vào sát bờ, tùy mục đích sử dụng; nhưng phần lớn thời gian nuôi sẽ cố định ở một địa điểm được che chắn như bến cảng. Ảnh: Next Tuna

Cả hai công ty đã nộp đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với cơ quan cấp bằng sáng chế của Na Uy trước khi Next Tuna trình bày thiết kế RASxFloater tại Hội nghị Nuôi trồng thủy sản châu Âu ở Vienna vào cuối tháng 9/2023. RASxFloater không những ứng phó được thách thức biến đổi khí hậu, mà còn giải quyết nhiều vấn đề mà người nuôi cá lồng lưới trên biển đang gặp phải với chi phí đầu tư rẻ hơn các hệ thống RAS trên đất liền. 

Paul-Daniel Sindilariu, Giám đốc Next Tuna cho biết, mô hình RASxFloater nhắm đến đối tượng cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương, nhưng cũng phù hợp để nuôi các loại cá khác như cá hồi, cá chẽm hoặc cá khế vây vàng. 

Lồng thép cách nhiệt 

RASxFloater gần giống lồng lưới có đường kính 30 m, sâu 10 m (7.000 m³) nhưng thay vì dùng lưới giữ cá, RASxFloater được thiết kế dạng bể nổi được làm bằng thép cách nhiệt. Cấu trúc nổi cùng chất liệu cách điện giúp hệ thống này tương thích với khu vực gần bờ và sóng cao không quá 1 m. Nhà thiết kế đang xem xét giải pháp để sử dụng hệ thống này ở nhiều địa hình khác. 

Thiết kế khu vực neo đậu cho RASxFloater. Ảnh: Next Tuna

RASxFloater có hai chế độ hoạt động: (1) chế độ sản xuất, nơi hệ thống được kết nối với bến cảng hoặc neo đậu ở khu vực có mái che và tiếp nhận nguồn cung thiết yếu từ đất liền hoặc sà lan; (2) chế độ phân phối, tại đó hệ thống bị ngắt kết nối với nguồn cung trên đất liền và được kéo ra khơi. 

Hệ thống khép kín nên nước thải được xử lý trên đất liền hoặc sà lan; và do được tích hợp quá trình tiền xử lý nước nước thải nên RASxFloater có thể được sử dụng ở những khu vực chất lượng nước không đủ tiêu chuẩn để nuôi thủy sản, Sindilariu cho biết. 

Nhờ lớp vỏ thép cách nhiệt, RASxFloater có thể nuôi được cá nước lạnh trong nước ấm và ngược lại. Đồng thời, lớp thép cách nhiệt cũng có tác dụng làm giảm âm thanh của sóng đập vào cấu trúc lồng. 

Ứng phó hiểm họa khí hậu 

Sindilariu nói, biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi trên biển trong lồng mở. Nắng nóng, bão, lũ lụt xảy ra liên tiếp làm môi trường biển cũng biến đổi phức tạp như tảo nở hoa, nguồn nước ô nhiễm, sứa xâm lấn…Nguy cơ gây ô nhiễm nước biển do chất thải của cá cũng là trở ngại đối với nghề nuôi biển, nhất là ở Na Uy và Canada. Do đó, chúng ta phải tìm ra mô hình nuôi thủy sản hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Theo nhà sản xuất, chi phí đầu tư mô hình RASxFloater dự kiến 1000 EUR/m³, rẻ hơn so với chi phí xây dựng RAS trên đất liền (3.500/m³). Sindilariu cho biết thêm, RASxFloater không cần đất nền, không cần bê tông nên tiết kiệm chi phí xây dựng. 

Điểm mạnh của RASxFloater là mực nước bên trong và bên ngoài gần như giống nhau nên không chênh lệch áp suất. Do đó, độ dày của lớp vỏ thép cách nhiệt có thể mỏng hơn, kết hợp cấu trúc nổi nên dễ bảo trì. 

So với các lồng lưới mở và bán kín, hay hệ thống nuôi nổi trên sà lan thì RASxFloater lợi thế hơn về giá thành xây dựng, tính linh hoạt, khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. 

Sindilariu nhận định, hệ thống RAS nổi sẽ là tương lai của nghề nuôi biển. Hơn nữa, do không phụ thuộc vào địa điểm nên người nuôi cá có thể đưa mô hình tiến gần khu vực khách hàng, từ đó giảm bớt chi phí vận chuyển và đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn tươi ngon. 

Tuấn Minh

(Theo Fishfarmingexpert)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!