(Thủy sản Việt Nam) – Robojelly là tên của một robot mới, bắt chước chuyển động của loài sứa, nhằm để phát hiện ra mọi hiện tượng lạ dưới đại dương được các kỹ sư thuộc Khoa Cơ khí Trường Đại học Công nghệ Virginia, Mỹ đã nghiên cứu và phát triển.
Bước tiến về công nghệ
Các nhà nghiên cứu cho biết, phương tiện không người lái Robojelly có khả năng phát hiện sự cố tràn dầu, theo dõi các tàu ngầm, quan sát sự di chuyển của những đàn cá và phát hiện ra mọi hiện tượng lạ dưới đáy đại dương. Robot này được thực hiện với vật liệu chính là silicon, cho phép nó có thể luồn sâu vào các ngóc ngách hiệu quả hơn hẳn so với loại robot kim loại.
Trong một thí nghiệm sơ bộ, hai robot Robojelly đã được thử nghiệm một có nắp và một không nắp. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, chiều dài của nắp có ảnh hưởng đến sức mạnh lưu thông vòng xoáy của sứa, có thể dẫn đến hiệu quả và lực đẩy cao hơn. Kết quả cho thấy rõ ràng là nắp đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế đẩy của Robojelly và giúp robot tận dụng được vốn hiểu biết của loài sứa tự nhiên.
Sứa thật (bên trái) và những robot mô phỏng sứa thật mang tên Robojelly
Độ nhạy cao
Thành công của việc nghiên cứu và phát triển robot Robojelly được xem là một bước đột phá trong công nghệ. Robojelly là một mô hình khó “sao chép” bởi nó có hình dáng đặc biệt và chuyển động phức tạp.
Theo các nhà khoa học, đặc điểm nổi bật nhất của Robojelly chính là độ nhạy của nó, có thể phát hiện ra mọi hiện tượng lạ dưới đại dương, thậm chí là cảm nhận được cả sự di chuyển nhẹ nhàng nhất của các đàn cá.
Bên cạnh đó, Robojelly còn có nhiều ưu điểm khác như tính linh hoạt cao, khả năng uốn cong để chui qua một khe nứt dù là rất nhỏ. Tuy nhiên, loại robot này cũng có nhược điểm cần phải cải tiến đó chính là tốc độ hoạt động vẫn còn chậm. Trong tương lai không xa, Robojelly chắc chắn sẽ có một loạt ứng dụng cho cả quân sự lẫn dân sự.
>> Alex Villanueva là người tiến hành nghiên cứu về robot Robojelly. Ông phát triển robot này cho Cơ quan Nghiên cứu Khoa học Hải quân Mỹ với mục đích giám sát dưới đại dương.
Sao Mai
Theo Homelandsecuritynewswire