Năm nào cũng vậy, từ tháng 10 âm lịch, các làng nghề bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị các mặt hàng cung ứng cho thị trường tết. Nghề làm cá khô ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời phát triển gắn liền với đánh bắt thuỷ sản, vì thế từ lâu đã hình thành làng nghề.
Những ngày giáp tết, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những giàn phơi khô nối tiếp nhau, với nhiều chủng loại khô để cung ứng cho nhu cầu người tiêu dùng, giá dao động từ 60-250 ngàn đồng/kg tuỳ loại. Cơ sở chế biến cá khô của bà Phạm Thị Hà ở Khóm 4, thị trấn Sông Đốc đã hình thành hơn 15 năm. Những tháng cận tết, cơ sở xuất ra thị trường từ 4-5 tấn khô/tháng.
Anh Phạm Hoài Hân, Khóm 4, thị trấn Sông Đốc, cho biết, hầu hết các sản phẩm khô được làm thủ công, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Các hộ làm khô luôn chú ý đến an toàn thực phẩm từ công đoạn sơ chế, tẩm ướp gia vị đến phơi khô để cung ứng cho thị trường những mặt hàng khô chất lượng, giá cả phải chăng nhằm giữ uy tín trên thị trường.
“Năm nay, giá cả bình ổn, nghề làm cá khô góp phần thu nhập, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, làm cho hương sắc mùa xuân thêm rực rỡ, sôi động”, Phó trưởng Khóm 4, thị trấn Sông Đốc Lâm Văn Thiên cho biết.
Sáng sớm, cửa biển thị trấn Sông Đốc đã nhộn nhịp, ghe xuồng đầy ắp các loại cá.
Chị Đặng Đẹp, chủ vựa khô ở Khóm 4, thị trấn Sông Đốc, thông tin: “Nghề làm khô đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động”.
Thành phẩm, trong khô không chỉ mang vị mặn của muối, trong đó có cả vị mặn của mồ hôi.
Dù công việc nặng nhọc nhưng trên môi người dân xứ biển luôn nở nụ cười.
Từ sơ chế, tẩm ướp đến phơi, bà con nơi đây luôn chú trọng khâu an toàn vệ sinh thực phẩm.