Tình trạng sạt lở đang làm mất đai rừng và sạt lở tuyến đê biển trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu rừng phòng hộ tuyến đê biển Tây.
Xây dựng kè bảo vệ đê biển Tây. (Ảnh: Ngô Xuân Hưng)
Tại vị trí có các cửa biển, khu dân cư tập trung thì tình trạng sạt lở đê diễn ra rất phức tạp và làm cho đê bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Tại huyện U Minh: Đoạn Rạch Dinh sóng biển đã đánh lở mất toàn bộ rừng phòng hộ phía ngoài đê một đoạn dài 380m và tiếp tục đe dọa thân đê, nhiều lần nước tràn qua, có nguy cơ vỡ đê, gần cống Rạch Dinh chỉ còn 1 – 2m là vỡ đê. Tại huyện Phú Tân, khu vực cửa Cái Cám cuốn trôi 2 đoạn kè tạm đã thi công năm 2008 dài khoảng 70m và làm sạt lở thêm một đoạn khoảng 40m.
Hiện các nhà khoa học thuộc Viện đang triển khai dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây cùng với các kè bảo vệ đê gồm kè Vàm Kênh Mới và đoạn Nam Đá Bạc…
Theo nhóm nghiên cứu, việc nâng cấp đê và xây dựng kè có thể phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ngăn triều cường với tần suất 5%, nước biển dâng và gió bão cấp 9, bảo vệ cho khoảng 26.160 hộ dân sống ven biển và 128.972ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, còn kiểm soát mặn và tiêu thoát nước thải phục vụ cho các mục tiêu như: cấp nước mặn và tiêu thoát nước thải phục vụ cho nuôi trồng thủy sản; ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các công việc được triển khai từ nay đến năm 2020.
Tuy nhiên, hiện nay rừng ngập mặn Cà Mau đã được đưa vào khu dự trữ sinh quyển Thế giới, vì vậy, vấn đề trồng rừng và xúc tiến tái sinh rừng ngoài việc bảo vệ bờ biển còn làm tăng thêm diện tích rừng, bảo vệ duy trì tính đa dạng sinh học cho khu sinh quyển đã được UNESCO công nhận.
Phương Nguyên
Theo Đất Việt