Xóm có 131 hộ dân, nằm dựa lưng vào núi, trông ra sông, cũng có đất canh tác 1,2 ha, trồng ngô đậu “cho vui”. Chỗ đất ấy, một hai đời nữa chuyển làm đất ở… là vừa. Cánh đồng chính nuôi sống người dân bao đời là vùng tông dưới đáy sông.
Xóm Lệch và khu rừng dưới đáy sông
Khu cư dân ấy nằm bên bờ hữu sông Gianh thuộc địa phân xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, có cái tên rất đẹp Thanh Châu nhưng người già kể tên cũ của nó xóm Lệch, đặt theo tên của cái hói ngay đầu xóm. Xóm Lệch hình thành từ loạn lạc bao đời mà dòng sông Gianh là tâm điểm, những người ngược sông lánh nạn tụ lại ở “mỏ cá” trung tâm vùng tông (rong) mọc thành rừng dưới lòng sông từ Tiến Hóa đến Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) dài chừng 25 km.
Dù là “núi” nhưng thực chất chỉ cách biển chừng 40 km, dòng thủy triều mang nước mặn vẫn thỉnh thoảng ghé thăm xóm Lệch. Có lẽ cũng chính vì sự kết hợp giữa dòng thủy thạch của sông Gianh với chút mặn mòi của biển mà tông ở đây mọc mạnh kỳ lạ. Dịp vào xuân, các loại tông mây, tông lá, tông nhún đâm chồi, đan dày, kín mặt sông. Bám vào chân tông là tôm cá nước ngọt, nước lợ, đến cả trăm loại: Cá trắm, tràu, gáy, vược, xanh, xao, mát, mòi… Cả những giống cá “lạ” từ núi đổ về, mùa nào cá ấy.
Đi lấy tông (rong) về nuôi cá
Xưa, cá ở đoạn sông Gianh qua đây đúng là xúc được. Tết xong cũng vào mùa cá mòi từ biển, ngược sông Gianh qua xóm Lệch, dịp ấy tông mới mọc nhun nhún, nhiều khi đàn cá mòi đông làm cả vùng tông sáng lóa. Ông Mai Văn Cảnh kể, có những buổi đánh lưới thu cả tạ cá mòi… gỡ mỏi tay lắm. Những gia đình ở xóm Lệch thường đông con đến… phát lạ, mỗi nhà cứ 9 – 10 người con, lớn lên đều nhờ cá. Ngày ngày xuống sông thu cá rồi vác cá đi đổi lấy gạo, sắn, khoai. Những năm đói kém, gánh cá đi đổi… nhọc lắm, rổ cá có khi đổi được lưng rổ khoai, còn gạo thì vô chừng, có khi chỉ được bơ gạo. Nấu cháo cả nhà chục miệng ăn, cho có hơi bột. Dân xóm Lệch thủa ấy sáng tạo ra cá trăm loại cháo cá: Cháo cá củ chuối, cháo cá rau rừng, cháo cá rau khoai nước – món rau vốn rất ngứa, nấu không được đụng đũa nếu không muốn ngứa rát họng. Ăn cá nhiều phát say, cụ Hồ Văn Khấn thổ lộ: “không thứ say nào sợ bằng say cá”, người nôn nao, quay cuồng, khốn khổ nhất là muốn ói ra cũng không được. Sau trận say cả tháng nhìn thấy cá vẫn rùng mình. Được nhắc nhất là cháo cá củ rau má. Rau má mọc nhiều ven các sườn núi, vác cuốc đi đào, rửa sạch, bộ rễ trắng hơi sần… như củ được thái nhỏ, cho vào nấu cùng cá và “điểm gạo”. Củ rau má mát mà lành, làm cho cá bớt “nóng”, ăn no, ăn nhiều ngày được. Những món cháo ấy nay thất truyền cả, cũng bởi cá giờ hiếm, được con cá có người đón mua ngay.
Cá dị… dị nhân bắt cá
Vùng tông xóm Lệch nằm ở hợp lưu mặn ngọt, cá trên núi ùa xuống, cá nước lợ trào lên. Lạ nhất phải kể đến giống cá trắng từ núi về, dân gọi luôn là cá núi, giống cá bằng hai ngón tay, người đi nhiều bảo hệt cá linh ở ĐBSCL. Xuất hiện nhiều theo con lũ đầu mùa, ăn ngon, làm mắm cũng ngon. Cùng với giống cá “núi” ấy, từ núi về các giống: Cá cầy, cá dùng, cá rỉ… Nghe những cái tên các cụ kể… chịu. Sông Gianh nguồn từ trời xuống, từ đá ra, gốc từ đâu nay cũng chưa biết hết được, cá theo nước, dân xóm Lệch chịu, chỉ biết trời cho để nuôi nhau.
Nghề bắt cá ở đây hay lắm, nhất là cái loòng khoòng đặc thù bắt cá trong rừng tông. Cụ Khấn kể, xưa dân xóm Lệch bủa lưới rồi cũng thanh tre gõ vào thành thuyền để xua cá như mọi nơi, ở đây cá trong rừng tông, thấy động chúi xuống núp vào bụi, gõ mỏi tay mà cá không chạy. Không biết ai nghĩ ra cách làm cái loòng khoòng, có lẽ nó sinh ra thời chiến tranh sau này bởi gắn với chiếc ca tút đạn pháo. Ống ca tút đồng cho thêm hai viên bi sắt, bịt kín, gắn vào đầu cây sào vẫn dùng để chống thuyền. Mỗi khi cây sào lao xuống nước, chạm đáy chiếc ống đồng rung lên… lo…òng… khoòng. Âm rung, truyền từ đáy sông, từ gốc tông, cá bị sốc phải ngược ra mà mắc lưới.
Làm nghề cá ở xóm Lệch đến độ dị phải nhắc đến cụ Mai Văn Nguyên. Cụ Nguyên nếu còn sống năm nay cũng đến hơn trăm tuổi, dân xóm hãi cái tài bắt cá… trên trời mà ghép tên cụ thành “Trạng nguyên Cá”. Cụ Nguyên làm cái dãy trên sông, tên địa phương gọi thế, gần giống như đăng, đan bằng tre, chặn ngang đường cá đi, dẫn luồng vào cuối dãy, tức, nhảy ngược lên vào lưới cụ treo trên… trời. Cá đủ sức nhảy phải to, cụ “chịu khó” nằm vắt chân chữ ngũ trong lều, nghe tiếng cá mới ra lấy. Cụ Nguyên chỉ động dãy khi nhà hết gạo, cũng chỉ bắt mấy con, đủ mua gạo ăn là nghỉ. Ai hỏi, xin kể, xin học nghề cụ chỉ cười. Có người bảo cụ là con nuôi thủy thần khúc sông này nên khi cần ra “xin” là có cá, cũng vì thế chỉ xin đủ là thôi, không được lạm. Nghề cá ở xóm Lệch nay cũng còn vài người, cả ngày chơi, đột nhiên mang loòng khoòng ra sông, lát về xách xâu cá, dân gọi là “trạng cá” nhưng cỡ “Trạng nguyên Cá” như cụ Nguyên thì không. Cụ mất, nghề bắt cá trên trời của cụ cũng thất truyền.
Ông Mai Văn Cảnh, thôn phó thôn Thanh Châu cũng là một trong những người săn cá, nuôi cá giỏi – Ảnh: Xuân Trường
Cơ cực nuôi cá rừng tông
Với dân xóm Lệch rừng tông là ruộng, cánh đồng dưới đáy sông ấy không chỉ nuôi mà còn giúp họ phát triển. Từ cái xóm chài lưa thưa sống trên nôốc (thuyền), cắm tựa vào bờ, trồng thêm vài luống rau, giàn mướp… nay đã có 131 hộ dân, cũng có thể gọi là làng được rồi. Cũng như nhiều nơi dân bỏ ruộng, xóm Lệch nay cũng chỉ còn hơn 40 hộ sống dựa vào cá. Đa phần dân làm đủ nghề: Đi rừng, ra tỉnh, vào miền nam làm thuê… thoát ly khỏi “ruộng tông”. Cá sông ít đi, hầu hết các hộ còn làm nghề cá đều nuôi thêm “bò nước” (cá trắm cỏ). Nuôi bò nước được cái lợi vốn ít, chỉ 500 ngàn đến 1 triệu đồng, là đủ mua ngàn con giống cỡ năm quân (ngón tay) đến chuôi dao. Đưa cá vào lồng ngày nào thì cũng bắt đầu làm phận “phu tông” ngày ấy, “nắng mưa mặc, không ngày nào nó nhịn cho” chị Hồ Thị Sen một chủ lồng cá cho biết.
Cực lấy tông không cực bằng cảnh nhìn cá chết. Đầu năm thả nuôi ngàn con, cuối năm nhà nào khá còn được trăm con, thường chỉ còn 40 đến 50 con. Cơ cực nhất là mùa lũ, lo chạy bè, lo chạy cỏ (tông bị chìm dưới sông sâu) rồi lo các “ông cá” chết. Ông Mai Văn Cảnh thuộc hộ nuôi cá “có nghề” đạt mức “mười con chết chín” ngán ngẩm tâm sự: “Sau tết thả nuôi, sáu bẩy tháng trời chăm “ông” đến “bằng đầu bằng cổ”, ông nào cũng cả ký rồi mà phơi bụng chết, muốn khóc luôn”.
Dân xóm Lệch bao đời trông vào cây tông, giờ phải trông vào trên trăm người đi làm thuê khắp nơi, số này giúp xóm “giữ” được mức nghèo và cận nghèo gần 40%.
>> Ông Nguyễn Văn Thông, trưởng thôn: “Rừng tông ở đây đủ nuôi chúng tôi, chỉ cần các cơ quan chức năng giúp cho kỹ thuật nuôi cá lồng, nhất là cách phòng và chữa bệnh cho cá thì chỉ 2 năm, hộ nghèo và cận nghèo ở thôn sẽ giảm được 3/4. Người đi rừng cũng sẽ giảm, đi làm thuê xa cũng giảm”. |
Cho mình hỏi tên khoa học của loại rong này với. Mình cố gắng google nhưng ko ở đâu ghi chép có loại rong lá này. Không biết chỉ phù hợp với nguồn nước lợ của sông ngòi Quảng bình hay thế nào