(Thủy sản Việt Nam) – Trên thế giới diễn ra rất nhiều lễ hội, phong tục độc đáo hàng năm. Mỗi lễ hội, phong tục đều mang những nét kỳ lạ, ấn tượng, độc đáo và mang đặc thù lịch sử, văn hóa của từng vùng, từng quốc gia khác nhau…
Lễ hội bắt cá Arugungu
Arugungu là một sự kiện văn hóa quan trọng nhất của đất nước và con người Nigeria thuộc khu vực Tây Phi và cũng là nước đông dân nhất tại châu Phi và thứ 8 trên thế giới. Lễ hội bắt cá Argungu chỉ diễn ra một lần trong năm, bắt đầu vào thứ 4 của tháng 2 hoặc tháng 3 và kết thúc vào thứ 7 tại bờ sông Matan Fada, bang Kebbi, phía Tây Bắc của Nigeria. Tại lễ hội, người đàn ông chỉ trở thành đàn ông thật sự khi dùng tay không nhưng lại có thể bắt được con cá to nhất dưới dòng sông để chứng minh cho đám phụ nữ thấy rằng đây là cú bắt tuyệt nhất. Trong những con cá bắt được, lớn nhất là cá pecca, nặng tới 140 pounds (73,5kg). Mặc dù lễ hội bắt cá Arugungu được tổ chức từ thế kỷ 16 nhưng mới chính thức phục hồi từ năm 1934.
Lễ hội ăn cá sống Krakelingen – Tonnekensbrad
Thành phố Geraardsbergen của Bỉ tổ chức phiên chợ hằng năm vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng 3 và ăn mừng kết thúc mùa đông vào chủ nhật tám ngày trước đó bằng lễ hội Krakelingen – Tonnekensbrad được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Vào ngày lễ hội, một đám rước hàng nghìn người trang phục lịch sử, mang theo bánh, rượu vang, cá và đốt đuốc kéo lên đỉnh đồi. Giáo sĩ sẽ làm lễ ban phúc cho bánh Krakelingen, sau đó các đại diện tôn giáo và thế tục sẽ uống rượu vang từ một chiếc cốc bạc có từ thế kỷ 16, bên trong chứa một con cá nhỏ còn sống. Tuy nhiên, tục lệ nuốt cá sống trong rượu vang đỏ vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi.
Lễ hội thảm sát cá heo "Grindadráp"
Faroe là một quần đảo nằm giữa vùng biển Na Uy và Bắc Đại Tây Dương, thuộc vương quốc Đan Mạch từ năm 1948. Tại đây, một tục lệ dã man có từ hàng thế kỷ qua đang bị các Hội Bảo vệ súc vật toàn cầu cũng như dân chúng cả thế giới lên án. Đó là lễ hội giết cá heo "Grindadráp". Mỗi năm, vào mùa hè, khi những đoàn cá heo Long-finned Pilot Whales xuất hiện gần bờ biển, một lực lượng ghe nhỏ được thành lập, truy đuổi đàn cá vào vùng nước cạn gần bờ… và cuộc thảm sát bắt đầu. Hầu hết những người tham gia vào cuộc săn bắt này là những thanh thiếu niên trẻ tuổi, họ muốn "chứng minh" rằng họ đã lớn, đã trưởng thành và sẵn sàng kế thừa ngành công nghiệp đánh bắt cá trên quần đảo này. Người dân trên quần đảo Faroe Islands phủ nhận đây là tội ác. Họ cho rằng "tập tục văn hóa cổ truyền" này không hề có tính thương mại nên hoàn toàn vô tội.
Lễ hội Koinobori Matsuri
Lễ hội Koinobori Matsuri tạm dịch là lễ hội cờ cá chép, được bắt đầu từ cuối 3 tới giữa tháng 5 hàng năm tại Gunma, một trong 8 tỉnh nội địa của Nhật Bản. Điểm độc đáo của lễ hội chính là việc sử dụng những lá cờ truyền thống mang hình cá chép được sáng tạo thêm những họa tiết và màu sắc hiện đại, rất rực rỡ và bắt mắt treo dọc con sông Kanna của vùng. Koinobori Matsuri được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1981. Sau gần 30 năm được duy trì và phát triển, Koinobori Matsuri trở thành lễ hội độc đáo nhất của vùng. Những lá cờ cá chép hòa lẫn trong sắc thắm của hoa anh đào trong ngày xuân nở rộ đã biến Gumma trở thành địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách nhất vào những tháng cuối mùa xuân ở Nhật Bản.
Thảo Nguyên – Hải Đăng
(Tổng hợp)