T2, 06/07/2020 10:08

Săn cá ngừ mùa biển động: Kỳ 3: Bủa câu

Chưa có đánh giá về bài viết

Con cá ngừ đại dương đã trở thành thương hiệu mạnh của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng cuộc đời những người kiếm được nó vẫn lam lũ như thủa nào. Cá ngày một ít đi, giá cá tăng không đuổi kịp giá dầu. Vàng câu ngày một dài, giờ đã tới 40 km, gấp đôi so với cách đây 10 năm, chuyến câu cũng dài cả tháng, gấp đôi xưa…


Kỳ 1: Ngàn dặm khơi

Kỳ 2: Ánh đèn côi cút trên biển đêm

Mẻ câu đầu tiên

Sáng 11-6, khi cơn bão đầu tiên trên Biển Đông bắt đầu tan, cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị bủa mẻ câu cá ngừ đầu tiên của chuyến đi. Mọi sự đã hoàn tất thì việc bủa câu phải dừng lại. Mới nghe tiếng phành phạch hơi lạ, thò đầu ra nhìn đã thấy chiếc máy bay lù lù ở ngay trên đầu. Chiếc máy bay quần thảo 3 vòng quanh con tàu, rất thấp, chỉ cách mặt biển chừng 100 mét, bằng mắt thường còn nhìn thấy phi công trong ca bin. Đầu tiên là sợ, như một phản xạ tự nhiên vậy, rồi đến là ngơ ngác nhìn nhau. Tàu đang ở cách đảo An Bang (quần đảo Trường Sa) chừng 35 hải lý về phía Nam, chắc chắn vẫn trong vùng biển Việt Nam, không xâm phạm hải phận nước nào. Cái cách quần thảo ấy không cho thấy dấu hiệu thân thiện. Gần cuối chuyến đi chúng tôi lại được máy bay ghé thăm, lần này ở Bắc Trường Sa, vào buổi tối, khi những chiếc thúng câu đã được thả xuống thì tiếng phành phạch hăm dọa nổi lên. Trong đêm chúng tôi chỉ thấy được vệt đèn đỏ nhấp nháy trên đầu, lượn đi lượn lại, cũng sợ nhưng thôi đành mặc.

Trở lại mẻ câu đầu, hội ý mấy anh em thống nhất: Nhích lên một tý, về gần đảo ta, có gì còn dựa vào bộ đội. Thêm 2 giờ nổ máy chạy 10 hải lý về phía đảo An Bang, 13 giờ mới bắt đầu bủa câu, cũng là lúc những trận dông chiều đổ về. Hơn 4 giờ bủa câu của mẻ câu đầu tiên chìm ngập trong mưa dông, sóng cao 4-5 mét. Ngoài boong tàu 9 anh em thuyền viên như những cái bóng chao lắc trong gió mưa. Không hiểu sao họ vẫn đứng được để móc mồi, ráp thẻo, bủa chiên. Một cú tắc mạnh của sóng, r…ầm, anh Giành cùng cả cái ghế lái đã gắn chắc vào sàn tàu đổ vật xuống, may mà vị thuyền trưởng ấy không bị thương tích gì. Hơn 4 giờ vật lộn trong mưa dông đến 17 giờ 30 thì mẻ câu đầu tiên bủa xong, như trêu ngươi, dông cũng qua đi. Những con người ướt mèm, xám ngoét, lập cập vào khoang tàu. Mẻ câu đầu tiên được bủa xuống biển như thế, trong 3 trận dông liên tiếp.

Bủa câu với mồi là những chú mực tươi nặng trên 100 gam

2 giờ sáng ngày 12-6, toàn tàu thức dậy bắt đầu kéo câu. Dông, như là sự tất nhiên vậy. Đến ¾ thời gian của chuyến đi, dù đánh xẩm (đón cá ăn vào chạng vạng) hay đánh rạng (đón cá ăn lúc rạng đông) hầu như mẻ câu nào cũng phải bủa câu rồi kéo câu trong cơn dông. Biển, trời như muốn làm khó cho con người, cứ nhè những lúc ấy mà thổi dông đến.

Hơn 500 lưỡi câu đã đi qua mà không được con cá nhỏ, tôi đã nghĩ đến sự khởi đầu không suôn sẻ thì thấy cá. 7giờ 20 phút, tiếng… Cá… đầu tiên reo lên, rồi đến … Bò… gù… ngư dân Phú Yên vẫn gọi con cá ngừ đại dương đơn giản như thế. Cả tàu xao động, thuyền trưởng Giành tắt máy lao ra hỗ trợ anh em. Trong làn nước xanh thẫm chú bò gù nửa đen, nửa lấp lánh bạc đang vẫy vùng những vòng gấp gáp để mong thoát khỏi sợi dây câu. Những vòng lượn cuối cùng của con cá khép lại theo sợi dây câu thu dần về, rồi cái móc sắt từ tay thuyền trưởng Giành lao xuống khóa cứng nó lại, thêm một cái móc nữa để kéo bật con cá lên boong tàu. Con cá thật đẹp, đến 40 kg, thừa tiêu chuẩn “đi máy bay”, chắc thịch nịch như con tàu ngầm của vị thuyền trưởng Nê Mô. Gần 100 lưỡi câu cuối thêm 3 chú bò gù nữa đều hơn 30 kg, đủ để người ta mua vé cho chúng xuất ngoại. Buổi sáng thật đẹp, dông cũng qua.

Hai mẻ câu tiếp sau, biển vẫn động dữ dội nhưng… có cá, thêm 5 chú bò gù. Chuyến đi đã có sự khởi đầu đầy gian khó và… suôn sẻ. Nhưng sự suôn sẻ chỉ đến thế là dừng lại dành chỗ cho những bất chắc và rất hiếm bóng cá.

 

Dông biển

Vùng ngư trường phía Nam Trường Sa như là lãnh hải của dông biển vậy. Đây là nơi chịu ảnh hưởng mạnh của gió Tây Nam, giáp ranh với biển Thái Bình Dương ở phía Tây đã vào mùa bão, phía Bắc Trường Sa cũng là vùng rốn bão của Biển Đông. Ngư dân Phú Yên ai cũng biết vậy nhưng quan trọng hơn dông, hơn bão là những chú bò gù.

Dông biển đến nhanh như điện. Vừa nghe hô “có dông”, chưa kịp đóng xong các cửa khoang tàu thì dông đã ập đến. Gió như quất, mưa như hắt nước vào mặt. Gió lúc thì ào ào như bão lúc lại xoáy ..u..u.. nghe phát hãi, như thủy thần đang lúc vui mà thổi sáo giễu anh em chúng tôi vậy. Gió réo muốn rứt da thịt, áo mưa của anh em cứ bị giật phăng phăng. Ức nhất là dông đánh tơi tả chỗ này, nhưng chỉ cách đó một đoạn trời vẫn… nắng hiền hòa. Bình thường biển đã có chữ động rồi, nay thêm dông, những cột sóng lừng lững cao hơn nóc tàu sầm sập đổ xuống không biết mỏi. Dông đến nhanh thế nào thì đi cũng nhanh vây. Đang gió mưa tơi tả, thấy gió phèo phèo vài cái, dông tan.

Hướng bủa câu cắt chéo sóng thành thử dù bủa hay kéo cũng đều như bị ngược sóng. Lúc dông, tàu chạy vượt nghiêng như vượt qua con đê nước. Trườn chéo lên đỉnh, nghiêng mình lao xuống, tưởng như sắp nghe tiếng “ục” rồi mất tăm vào lòng biển thì giật một cái, cả tàu lật nghiêng theo hướng ngược lại, bò tiếp qua đỉnh sóng mới. Mỗi lần giật nghiêng như thế,… đồ đạc nhảy múa, xoong nồi, bát đĩa hò reo. Tôi ngồi, tay ghì, chân đạp cố giữ cho mình yên một góc, mặc cho nước xối tứ tung lên người. Nhìn cảnh anh em trên boong tàu trong gió mưa vùi dập, nhiều khi muốn ứa nước mắt mà tự hỏi: Vì miếng cơm manh áo mà phải cực đến thế này sao? Làm người khốn khổ đến thế này sao? Thuyền trưởng Giành hồn nhiên: “có vất vả Bà, Cậu mới thương mà cho”, còn anh em thuyền viên đơn giản một câu “quen rồi”. Nói là thế nhưng quen sao cho được, mới có 10 ngày mà túi thuốc cảm trên tàu hết nhẵn, bát cơm rắc thêm ớt vào ăn cho đỡ cái lạnh của nước mưa đã ngấm sâu vào cơ thể. Đôi lần tôi quyết tâm lấy máy ảnh ra chụp cảnh làm việc trong mưa gió của anh em, đã lấy dây neo người vào cột, lấy túi ni lon bọc kỹ máy ảnh mà vẫn bị trả giá liền. Buổi ấy gió làm cái việc xé toạc chiếc túi bọc máy ảnh và sóng hắt một màn nước mặn chát vào chiếc máy ảnh yêu quí của tôi. Đau như thấy con mình bị đánh.

>> Ngư dân Phú Yên có kinh nghiệm chống bão bằng dầu, khi tàu chết máy trong bão phải dùng neo dù: Sau khi neo dù, mũi tàu hướng trực diện với sóng, treo khoảng 3 can dầu trước mũi tàu, chọc lỗ cho dầu rỉ xuống biển. Lượng dầu này trôi chậm hơn so với tàu, thành màng phía trước mũi tàu, ngăn được sóng lớn bổ thẳng vào mũi tàu và giảm được chừng 2 cấp sóng. Với 3 can dầu có thể trụ được 12 giờ trong bão.

Xuân Trường (còn nữa)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!