Con cá ngừ đại dương đã trở thành thương hiệu mạnh của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng cuộc đời những người kiếm được nó vẫn lam lũ như thủa nào. Cá ngày một ít đi, giá cá tăng không đuổi kịp giá dầu. Vàng câu ngày một dài, giờ đã tới 40 km, gấp đôi so với cách đây 10 năm, chuyến câu cũng dài cả tháng, gấp đôi xưa…
Kỳ 2: Ánh đèn côi cút trên biển đêm
Ra biển từ tuổi còn thơ
Thành viên ít tuổi thứ hai trên tàu là nguyễn Văn Minh, sinh 1985. Minh cao to, đi biển mà da vẫn trắng, gương mặt sáng sủa. Lên bờ diện quần áo vào, anh chàng một vợ hai con ấy vẫn hớp hồn khối cô gái. Hiền lành, chăm làm, đi bạn, không ít ông chủ tàu gọi ướm gả con gái cho, khai thật “con có vợ rồi” mãi mà không chịu tin. Minh có thâm niên đi biển 18 năm. Nhà Minh nghèo lắm, không được đi học, lên 8 tuổi đã phải theo tàu lưới mành ra biển làm cái chân tát nước, nấu cơm, được chia 2/10 so với bạn khác, quan trọng là được ăn. Cậu bé 8 tuổi đêm nào cũng phải thức một mình dưới hầm tàu tát nước, chuyện ngủ quên đến khi nước ngập đến bụng mới tỉnh là chuyện thường. Tàu bên, có cậu bạn cùng tuổi Minh ngủ quên đến lúc nước vào ngập lút máy, chết mắc kẹt trong hầm luôn. Hôm vớt xác bạn, Minh cũng có mặt. Cứ thế, chưa đủ lớn để thành nghề đã thành nghiệp. Lớn dần đi biển thành quen hơn ở bờ, lên bờ cũng khó kiếm việc gì để làm được. Anh em trêu, đố cậu viết được tên mình, Minh cãi rằng tên thì viết được, thậm chí hơn nữa nhưng đưa giấy bút bảo viết thì… đánh trống lảng.
Cùng cảnh không biết chữ trên tàu còn có Nguyễn Văn Lượm, năm nay 39 tuổi. Lượm đen hơn… dân đi biển, anh em không gọi tên Lượm mà gọi Đen, trong sổ cũng viết tên Đen. Lượm cũng không phải tên thật, năm lên 3 tuổi cậu lạc mất gia đình. Người phụ nữ đơn thân gần 30 tuổi thấy cậu lang thang đưa về nuôi đặt ngay tên là Lượm, ít lâu sau bà cũng lấy chồng, Lượm thành con lớn của một gia đình rất nghèo. Lượm không được đi học, em cậu cũng chỉ học hết lớp 3. Chừng 8 tuổi cậu bé Lượm đã biết theo các anh lớn lang thang khắp vùng cát, phụ nuôi bò cho người kiếm miếng ăn, ra biển nhặt con tôm, con cá dạt, rồi theo tàu đi biển. Hỏi Lượm đi biển từ năm bao nhiêu tuổi, Lượm lắc đầu không nhớ, đại thể chừng hơn 10 tuổi “nhỏ chút chút”. Biển thành bà mẹ thứ ba của Lượm. Trên tàu Lượm ít nói, sống có phần nội tâm nhất, rất thương bà mẹ nuôi “Bả tội lắm, thương người… mà nghèo không ai bằng”. Lượm vẫn mong một ngày nào đó cậu tìm được gia đình ruột. Cũng như bao ngư dân, Lượm có mấy chữ xăm trên người, có điều 3 dòng chữ xăm có đến 2 bị sai, 1 câu sai chữ, 1 câu thiếu hẳn chữ cái. Lượm không biết, người xăm cho chắc cũng không biết, anh em biết nhưng không muốn nói, có lẽ cũng ngại Lượm buồn.
Ngoài Minh và Lượm, những anh em khác chỉ có hai người đi biển khi đủ 18 tuổi còn lại đều đi biển từ 14, 15 tuổi.
Chủ tàu và bạn
Chủ cũng là tài công trên tàu chúng tôi là anh Phan Văn Giành, năm nay 39 tuổi. Cũng mất 15 năm đi biển, đổi nhà to lấy nhà bé, vay nhà nước, họ hàng, bạn bè, năm 2000 anh đóng được con tàu này, quyết tâm lập chí, đổi đời. Làm chủ tàu nhưng nay biển đói, mai giá cá rớt… mất 6-7 năm trời mới xong cái nợ đóng tàu. Nhà vẫn nghèo mà con tàu đã bắt đầu cũ. Số anh long đong nhưng được cái xởi lởi, dù được chia ít bạn cũng không muốn bỏ. Hôm tôi xuống tàu cũng hơi ngạc nhiên thấy ông chủ tàu dễ quá, chỉ hỏi mỗi câu: Chịu được sóng không? Tôi bảo “được”, thế là cho lên tàu đi luôn, giấy tờ, tên tuổi, cam kết… khỏi cần, “các chú biên phòng lo rồi, tui cần chi”. Trên tàu, ngoài anh Giành đang là chủ tàu còn Bác cả Chung cũng từng là chủ tàu, làm ăn thua thiệt bán tàu quay lại đi bạn. Trên biển chuyện chủ, bạn tương đối lắm, mỗi người một việc. Làm phân việc chứ ăn không chia mâm, ngồi không phân chỗ, sống với nhau đơn giản, thân thiện, “Sóng gió có phân biệt ai đâu mà mình phân chia”, anh Giành bảo thế. Cả chuyến đi anh Giành là hao người nhất, đầu chuyến trông hào sảng lắm, hết sự cố này đến sự cố khác, cá thì không thấy tăm hơi đâu, cuối chuyến anh chủ tàu mặt hốc hác nhận thấy rõ. Tàu của anh Giành ba chuyến gần đây 1 chuyến hòa, 1 chuyến được chia 3 triệu đồng/người, chuyến tôi đi chia 1,4 triệu/người, nằm trong tốp đèn đỏ. Chỉ cần thêm đôi chuyến như thế này nữa chuyện mất bạn đi biển là điều không tránh khỏi. Quý nhau đến mấy cũng chịu, từ chỗ mất “bạn ruột” đến lỗ, bán tàu, chở lại đi bạn gần nhau lắm. Có sự cố gì lớn chủ tàu è ra gánh, không sẻ chia với ai được. Tôi nhớ đợt bão số 10 năm 2009 có ông chủ tàu ở Thái Bình đi mua cá ở Bạch Long Vĩ về gặp bão, tàu chết máy. Lúc tàu sắp chìm, tàu khác đến cứu, anh em bạn sang hết rồi, ông chủ tàu cũng là thuyền trưởng ôm vô lăng quyết không sang để chết với con tàu. Trong bão anh em bạn lại bơi về con tàu đang chìm, gỡ tay thuyền trưởng ra khỏi vô lăng, ném ông xuống biển rồi dìu bơi về tàu kia. Ông không muốn sống có cái lý của ông, cả tàu và cá trị giá gần 3 tỉ đồng, vay đến 2 tỉ, sống mà về, có bán nhà bán đất cũng không đủ trả được một nửa số nợ ấy. Chết đi với tàu, ông biết, dân biển không ai nỡ đòi vợ con người chết, vợ con ông còn cái nhà mà ở.
Bủa câu trong sóng to gió lớn
Trên tàu 10 người, ngoài Minh và Lượm không biết chữ, 8 người kia không ai học hết lớp 9, hỏi các anh ở đây có nhiều người học hết lớp 12 đi biển không, anh em ngẩn người nhìn tôi rồi hỏi lại: “học hết lớp 12 đi biển chi cho phí”. Hôm gặp máy bay quần trên đầu, tôi hỏi anh Giành xem Hải đồ, anh gãi đầu “bị chuột gặm rồi”, chắc anh cũng không bao giờ xem đến nó, mà không chắc đã biết xem.
Ở Phú Yên này, chủ tàu đa phần cũng từ đi bạn mà nên, “gặp Bà, Cậu cho”, như anh Giành, luôn sống với niềm tin rất lành “có vất vả Bà, Cậu mới thương mà cho”. Bạn trên tàu cũng vậy, vất vả đến mấy cũng vẫn vui, cố, mong một ngày Bà, Cậu thương đến mình. Những con người ấy đi biển từ nhỏ, cái nếp nghĩ Bà, Cậu đã ăn vào người, thành những công dân của biển, đành vui với nhọc nhằn trên sóng gió, lên bờ kiếm việc không dễ, sống còn khó hơn.