(TSVN) – “Bão” COVID-19 dần đi qua cũng là lúc các doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản xây dựng kịch bản tái thiết, thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Bởi, con giống là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của vụ nuôi. Vì vậy, nguồn giống chất lượng, sạch bệnh là điều vô cùng quan trọng.
Thời gian qua, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đến các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Từ đầu tháng 7, dịch bệnh bùng phát theo chiều hướng phức tạp hơn, nhu cầu tôm giống tại các tỉnh trọng điểm ĐBSCL giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đã chủ động giảm sản lượng từ 30 – 40%. Đến nay, các cơ sở sản xuất giảm sản lượng lên tới 50%, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải dừng hoạt động.
Nguồn tôm bố mẹ ở nước ta chủ yếu là nhập khẩu, do ảnh hưởng của dịch, việc nhập tôm bố mẹ gặp nhiều khó khăn, thời gian vận chuyển kéo dài, cước vận chuyển tăng khoảng 75%, từ 20 – 30 USD/con lên 40 – 60 USD/con. Cùng với đó, nguồn tôm bố mẹ sản xuất trong nước cũng đang chịu nhiều áp lực, sản lượng tiêu thụ chậm. Sản lượng bán ra của Công ty TNHH Moana Ninh Thuận dự kiến đến hết năm 2021 đạt khoảng 70% kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, do khó khăn trong đầu ra, nhiều cơ sở đã phải cắt giảm chi phí đầu tư chăm sóc tôm bố mẹ. Bên cạnh đó, tình trạng cung cấp thức ăn tươi sống khan hiếm, dẫn đến lo ngại về năng suất cũng như chất lượng tôm giống.
Ngoài ra, do tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương phía Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, việc vận chuyển tôm giống từ các trại giống ở các tỉnh trọng điểm sản xuất con giống như Ninh Thuận, Bình Thuận vào miền Tây gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát, nhu cầu tôm giống tại các tỉnh ĐBSCL trung bình khoảng từ 6 – 8 tỷ con/tháng, cao điểm có thể lên tới 10 – 12 tỷ con/tháng; trong đó, 60 – 70% được cung cấp bởi các doanh nghiệp tại Ninh Thuận và Bình Thuận. Thời điểm hiện tại, để vận chuyển tôm giống từ hai tỉnh trên đến được khu vực ĐBSCL phải trải qua rất nhiều chốt, trạm, khiến doanh nghiệp cũng như người nuôi gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều địa phương người nuôi treo ao, lượng tôm giống ùn ứ, dư thừa khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải xả bỏ, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Không những thế, các trại giống còn gặp khó khăn trong việc mua thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ, do nguồn nhập khẩu bị ảnh hưởng.
Dự báo đến hết năm 2021, số lượng tôm giống có thể cung cấp ra thị trường khoảng 7 – 10 tỷ con/tháng. Ảnh: Trần Út
Theo kế hoạch đặt ra trong năm 2021, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước phấn đấu đạt 740.000 ha (tôm sú 625.000 ha, TTCT 115.000 ha), sản lượng 930.000 tấn (tôm sú 280.000 tấn, TTCT 650.000 tấn), nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con, tôm bố mẹ khoảng 250.000 con.
Để đảm bảo duy trì sản xuất trong tình hình mới, thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người và phương tiện vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất được lưu thông trên địa bàn của tỉnh và liên tỉnh khi đã tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. Như tại Bạc Liêu, là một trong những tỉnh có số lượng sản xuất giống thủy sản lớn nhất các tỉnh miền Tây, để được qua các chốt kiểm soát COVID-19, ra khỏi TP Bạc Liêu, trại giống phải đăng ký trước số lượng, số xe, nơi đi, nơi đến, tuân thủ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Khi nhận được lịch trình, xe của Tỉnh đội dẫn đường cho xe trại giống ra khỏi TP Bạc Liêu đến nơi tiêu thụ.
Hiện nay khi nhiều tỉnh đã kiểm soát dịch tốt và linh hoạt nên hoạt động sản xuất sẽ hồi phục sớm hơn và đảm bảo vẫn đủ khả năng cung cấp con giống cho thị trường. Dự báo đến hết năm 2021, số lượng tôm giống có thể cung cấp ra thị trường khoảng 7 – 10 tỷ con/tháng. Tuy nhiên, trong trường hợp nhu cầu con giống cao hơn, các cơ sở cũng có thể sản xuất từ 10 – 12 tỷ con/tháng.
Tuy nhiên, các cơ sở cũng cần quan tâm đến xây dựng phương án kiểm soát y tế, vì rủi ro do dịch bệnh còn rất lớn. Vì thế, cần căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định có đưa lao động trở lại làm việc ồ ạt hay không, hay chọn phương án làm “cuốn chiếu”, từng bước đưa lao động vào làm việc trong khả năng mà doanh nghiệp có thể kiểm soát được.
Thái Thuận