(TSVN) – Theo Báo cáo tổng kết của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III, tại Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển cá nước lạnh và giải pháp trong thời gian tới, hàng năm thị trường cá tầm tại Việt Nam cần nguồn cung khoảng 3,5 triệu con giống khối lượng trung bình 15 g/con, tương đương cần khoảng 7 triệu cá bột. Do đó, việc sản xuất và cung ứng con giống cho nghề nuôi là rất quan trọng.
Hiện nay, nguồn giống cá tầm cung cấp tại nước ta từ 2 nguồn chính gồm: nguồn trứng đã thụ tinh được nhập từ nước ngoài về tiếp tục ấp nở và ương lên cá giống và cá giống sản xuất nhân tạo từ nguồn cá bố mẹ nuôi tại Việt Nam.
Công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá tầm đã được các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I đầu tư nghiên cứu. Kết quả đến nay, trong 5 loài cá tầm được nuôi tại Việt nam trừ cá tầm Beluga (tuổi thành thục dài, chưa cho trứng) và cá tầm Trung Hoa chậm lớn ít người nuôi, thì 3 loài cá tầm gồm cá tầm Nga, cá tầm Siberi và cá tầm Sterlet đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất giống tại Việt Nam và đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất. Các quy trình công nghệ sản xuất giống cá tầm đã được Tổng cục Thủy sản công nhận là tiến bộ kỹ thuật vào năm 2023.
Với quy mô phát triển nghề nuôi cá tầm thương phẩm hiện nay, thì số lượng cá tầm giống sản xuất nhân tạo tại Việt Nam đáp ứng khoảng 20 – 25% nhu cầu hàng năm, phần còn lại là nguồn giống từ việc nhập trứng đã thụ tinh từ nước ngoài.
Nguồn sản xuất giống cá tầm trong nước từ việc cho sinh sản nhân tạo mang lại hiệu quả khá tốt
Với nguồn sản xuất trong nước từ việc cho sinh sản nhân tạo, con giống từ nguồn này chất lượng khá tốt. Theo đánh giá, cá tầm nuôi trong điều kiện Việt Nam có thể cho sinh sản quanh năm và từ đó có thể chủ động cung cấp giống quanh năm cho người nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, con giống sản xuất từ nguồn này chưa sản xuất được nhiều do chưa có nhiều đơn vị đầu tư sản xuất giống cá tầm trong nước, đàn cá tầm bố mẹ sẵn sàng cho sản xuất giống ở Việt Nam số lượng chưa nhiều (chủ yếu đang giai đoạn hậu bị), chủng loại cá tầm giống sản xuất trong nước chưa phong phú, chưa khuyến khích người nuôi sử dụng sản phẩm trong nước…
Để đáp ứng nhu cầu con giống cho người nuôi những năm tới ngoài việc nhập khẩu nguồn trứng giống từ nước ngoài, cần triển khuyến khích các đơn vị trong nước đầu tư và tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá tầm nhằm tăng nhanh số lượng đơn vị sản xuất giống trong nước; tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp phát triển sản xuất cá tầm theo hướng lấy trứng thương phẩm; triển khai một số đề tài sản xuất một số dạng con lai nhằm đa dạng chủng loại giống, phù hợp với nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn cả nước; di nhập một số loài cá tầm có giá trị kinh tế mà Việt Nam chưa có như cá tầm Kaluga, cá tầm Amua, cá tầm Địa Trung Hải, cá tầm thìa… để nuôi khảo nghiệm, đánh giá, đề xuất đưa vào danh mục được phép sản xuất tại Việt Nam. Từ đó lựa chọn những đối tượng phù hợp với điều kiện của nước ta, mang lại hiệu quả kinh tế cao để tạo ra con giống mới cung cấp cho nghề nuôi cá tầm thương phẩm.
Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao năng suất và năng lực sản xuất giống của các đơn vị đang triển thực hiện sản xuất giống nhân tạo cá tầm, đồng thời nghiên cứu di nhập cá giống cá tầm mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nghiên cứu tạo ra các dòng cá tầm lai thích nghi với từng tiểu vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam, nhằm tiến tới chủ động hoàn toàn con giống cá tầm trong nước, cung cấp cho nghề nuôi cá tầm thương phẩm của nước ta phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững.
Lan Khuê