Cá chiên Bagarius rutilus là một trong số các loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, được xếp vào dạng “ngũ quý” cùng với cá lăng chấm, cá bỗng, cá anh vũ, cá rầm xanh.
Loài cá này có trên hệ thống sông Hồng với giá bán trên thị trường dao động từ 350.000 – 450.000 đồng/kg. Những năm gần đây, do việc khai thác cá chiên quá mức bằng những phương tiện hủy diệt và dụng cụ không đúng quy cách như xung điện, đánh bắt cá bằng lưới mau, lưỡi câu nhỏ… nguồn lợi cá chiên suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nuôi cá chiên lồng trên các sông, hồ chứa bằng nguồn giống đánh bắt từ tự nhiên và mang tính mùa vụ càng làm cho nguồn lợi cá chiên ngày càng cạn kiệt.
Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống cá chiên Bargarius rutilus với kết quả khả quan. Trong điều kiện nhân tạo, cá chiên thành thục tốt và mùa vụ sinh sản bắt đầu từ tháng 5 cho đến cuối tháng 7. Cá bố mẹ được tuyển chọn tham gia sinh sản có khối lượng trên 1,8 kg/con, tuổi thành thục trên 3 tuổi. Thức ăn phù hợp cho giai đoạn nuôi vỗ thành thục của cá chiên là cá tươi, thời gian nuôi vỗ từ tháng 1 đến tháng 3, nhiệt độ nước dao động từ 20,9 – 23,20C. Cá bố mẹ cho tỷ lệ thành thục cao nhất khi nuôi vỗ trong bể nước chảy (đạt 86,7%). Sau khi kiểm tra cá bố mẹ đã thành thục và chuẩn bị sinh sản, nghiên cứu sử dụng kích dục tố để kích thích sinh sản nhân tạo đã được thực hiện. Giai đoạn ươm từ cá bột lên cá hương (3 – 4 cm) kéo dài trong khoảng 40 ngày. Giai đoạn ươm từ cá hương lên cá giống, thức ăn sử dụng là giun trùn chỉ và cá tươi xay nhỏ, với mật độ ươm là 600 con/m2 cho tỷ lệ sống đạt 79%, sau 45 ngày ươm nuôi đạt cỡ 6,4 – 7,2 cm/con, khối lượng đạt 2,1 – 2,8 g/con.
Thành công của đề tài giúp chủ động được nguồn con giống phục vụ cho nghề nuôi thương phẩm nhằm mở rộng và phát triển nuôi đối tượng cá có giá trị kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, chủ động sản xuất con giống sẽ dần hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng khai thác cá chiên giống ngoài tự nhiên như hiện nay, góp phần bảo vệ nguồn lợi và phát triển đa dạng sinh học.