Đề tài nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá hồng bạc Lutjanus argentimaculatus (Forsskal, 1775) tại Khánh Hòa, do thầy giáo Nguyễn Địch Thanh, Khoa Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm đã mở ra nhiều cơ hội trong vấn đề chọn đối tượng mới cho ngành nuôi trồng thủy sản.
Kiểm tra và chăm sóc cá Hồng Bạc.
Cá hồng bạc được xem là một trong những đối tượng cá biển có giá trị kinh tế cao, giá bán trên thị trường khoảng hơn 200 nghìn đồng/kg, sinh trưởng và phát triển nhanh. Có thể nuôi được trong ao và nuôi bằng lồng trên biển. Quy trình kỷ thuật phải bảo đảm các yếu tố; độ mặn từ 20 – 32%o, nhiệt độ thích hợp cho cá sinh trưởng và phát triển từ 26 – 30oC, độ pH 7,5 – 8,5, mật độ nuôi thâm canh từ 3 – 5 con/m2, nuôi bằng lồng biển thả từ 80 –100 con/m3, khi cá lớn thì phân cỡ, san thưa mật độ 10 – 20/m3 lồng.
Hiện nay, nguồn giống tự nhiên rất hiếm và kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo loài cá này rất khó, nên lượng giống không đủ cung cấp cho người nuôi. Theo thầy Nguyễn Địch Thanh, người nuôi muốn thành công và đạt hiệu quả năng xuất cao thì ngoài các yếu tố điều kiện tự nhiên, cần phải bảo đảm môi trường ao nuôi không bị ô nhiễm, phải thay nước thường xuyên. Đối với những nơi nguồn nước khó khăn thì phải xử lý dưới đáy ao bằng các chế phẩm sinh học. Ngoài ra, đây là loài cá dữ ăn thịt, trong quá trình nuôi thường sử dụng thức ăn là cá tạp dễ gây ô nhiễm môi trường. nếu nuôi với quy mô lớn thì nên sử dụng các loại thức ăn tổng hợp để bảo đảm môi trường ao nuôi tốt, hạn chế ô nhiễm.
Đề tài thành công góp phần tạo điều kiện cho người nông dân vươn lên thoát nghèo, chọn đối tượng phù hợp mang lại thu nhập đáng kể, cải thiện được môi trường giảm chi phí trong sản xuất. Đề tài được các chuyên gia đánh giá rất cao và Khoa Nuôi trồng Thủy sán, Trường ĐH Nha Trang là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công sản xuất giống nhân tạo cá hồng bạc ở Việt nam.