(TSVN) – Người nuôi tôm hùm tại Đông Nam Á quen sử dụng thức ăn truyền thống như cá tạp tươi sống. Tuy nhiên, đây là giải pháp thức ăn kém bền vững và trong tương lai cần phải được thay thế bằng thức ăn công nghiệp hiệu quả hơn.
Đa số người nuôi không nắm được sự khác biệt về nhu cầu dinh dưỡng ở từng độ tuổi hoặc kích cỡ của tôm hùm. Trong khi nhu cầu protein trong thức ăn của nhiều loài cá giảm khi kích thước tăng, thì một số loài tôm hùm có xu hướng ngược lại. Lượng protein dư thừa gây tốn kém và dẫn đến chất thải nitơ, ảnh hưởng đến chất lượng nước. Do đó, cần phải xác định các mức dinh dưỡng tối ưu, đặc biệt là protein để sản xuất được thức ăn bền vững cho tôm hùm.
Tăng trưởng của tôm hùm bông (Panulirus ornatus) tỷ lệ thuận với lượng tăng của protein trong thức ăn. Các loài giáp xác thường phát triển tốt với thức ăn chứa trên 10% lipid. Tôm hùm được nuôi bằng cá tạp cũng phát triển tốt hơn khi đó là loại cá có lipid thấp hơn. Một số loại tôm hùm thích carbohydrate hơn lipid, mặc dù chưa thể khẳng định đây là dấu hiệu tích cực của carbohydrate trong khẩu phần ăn hay là do nhiều người nuôi ác cảm với các loại thức ăn quá nhiều lipid.
Nguồn carbohydrate cũng tác động lên thời kỳ giữa giai đoạn lột xác. Carbohydrates có thể là một thành phần chính trong thức ăn của tôm hùm để duy trì hiệu quả sự ổn định của nước. Do đó, người nuôi tôm cần có kiến thức về tác động và liều sử dụng carbohydrates tối ưu. Axit béo omega-3 thiết yếu đối với giáp xác, và một số dữ liệu cho thấy nhu cầu EPA + DHA chiếm 1,8% thức ăn của tôm hùm bông. Theo một số nghiên cứu, bổ sung 3 g cholesterol/kg thức ăn hỗ trợ tăng trưởng và đạt tỷ lệ sống cao hơn. Cải tiến nhu cầu về cholesterol và mức bổ sung rất quan trọng để phát triển thức ăn hiệu quả và kinh tế hơn cho tôm hùm trong tương lai, đồng thời tránh tác động tiêu cực của việc bổ sung quá mức.
Trọng tâm của việc phát triển thức ăn cho tôm hùm bông là hỗ trợ vật nuôi ăn đủ lượng và tăng trưởng. Hiện các loại thức ăn từ vẹm tươi không đảm bảo được tiêu chí này. Tôm hùm nhạy cảm với một số chất tạo mùi vị (các phân tử khóa học kích thích vị giác) hoặc một vài hương vị tự nhiên của thức ăn đã bị mất đi trong quá trình đông lạnh. Các loại bột cá khác nhau có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của một số loài tôm hùm. Phát triển các tiêu chí đánh giá chất lượng nguyên liệu thức ăn sẽ quan trọng trong sản xuất thức ăn công thức ổn định và chất lượng cao cho tôm hùm.
Các điều kiện bảo quản và độ tươi trong quá trình chế biến tác động đến chất lượng của nguyên liệu thô, thông thường được đánh giá bằng tổng nitơ bay hơi (TVN) và amin sinh học. Xác định các tác động của những thông số chất lượng này trong cá tạp và nguyên liệu thô của thức ăn công thức rất quan trọng đối với sự phát triển thức ăn công thức cho tôm hùm sau này.
Canxi, đồng, phosphor, kali, magie, selen và kẽm đều cần thiết đối với các loài tôm hùm; tuy nhiên, vẫn chưa rõ liều lượng bổ sung trong khẩu phần ăn. Phosphor và canxi đóng vai trò chức năng và cấu trúc quan trọng đối với giáp xác. Nước biển không cung cấp đủ phosphor trong khi canxi lại dồi dào và có thể dễ dàng hấp thụ từ nước. Mặc dù canxi không cần thiết trong thức ăn cho giáp xác, nhưng thường có trong nguyên liệu thô có thể ức chế khả dụng của phosphor nên các chuyên gia khuyến nghị tỷ lệ canxi: phosphor dưới 2:1 và trong một số trường hợp nhỏ hơn 0,5:1. Giá trị nhu cầu phosphor của giáp xác nằm trong khoảng 1 – 2% thức ăn.
Vitamin cần thiết cho sự phát triển tối ưu, chức năng trao đổi chất và sự sống của tôm hùm nhưng chưa có định lượng cụ thể về hàm lượng vitamin dành cho tôm hùm. Bổ sung vitamin là cần thiết để tôm hùm tăng trưởng và biến đổi thức ăn tối ưu khi chúng được nuôi chủ yếu bằng cá tự nhiên, bột cá và bột mỳ.
Mức đề xuất carotenoid astaxanthin trên tôm hùm là 50 ppm để đạt màu sắc tối ưu. Chưa có nghiên cứu về lượng bổ sung ở mức cao hơn. Khẩu phần chứa 800 mg astaxanthin/kg thức ăn mang lại tốc độ tăng trưởng cao hơn 55% so với thức ăn chứa 100 mg astaxanthin/kg.
Kiểm soát hệ vi khuẩn đường ruột của tôm hùm cũng quan trọng. Ví dụ, bổ sung các chất hỗ trợ sức khỏe đường ruột, cộng đồng vi sinh và tốc độ tăng trưởng, đồng thời cải hiện tỷ lệ sống, đặc biệt sau thử thách Vibrio. Probiotics đã được nghiên cứu trên tôm hùm bông, chủ yếu tập trung vào khả năng kháng bệnh hơn là hiệu lực kích thích tăng trưởng.
Nghiên cứu về các loại thức ăn cho tôm hùm được phát triển theo hai hướng khác nhau, nhưng trọng tâm là hỗ trợ vật nuôi ăn đủ lượng. Phương pháp đầu truyền thống hơn với thành phần bột cá và chất kết dính tinh bột hỗ trợ quá trình ép viên để cải thiện độ dính của viên thức ăn dạng bán ẩm. Loại thức ăn này thường được bổ sung hỗn hợp hải sản tươi để kích thích tính thèm ăn của tôm hùm, tuy nhiên, nhiều báo cáo gần đây ghi nhận bột nhuyễn thể (krill) hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ sự phát triển và tỷ lệ sống của tôm hùm bông. Phương pháp thứ hai dựa trên chất sodium caseinate cho protein tinh chất tan trong nước cùng với một chất kết dính khác. Có thể sử dụng bột vẹm xanh và betaine để cung cấp protein và kích thích tính thèm ăn của tôm hùm, trong khi đó dầu nhuyễn thể làm tăng lượng lipid và kết hợp với lecithin để cung cấp 1,39% phospholipid.
Cả hai phương pháp dinh dưỡng này đều cung cấp lượng protein cao và lipid vừa phải. Là giải pháp tham khảo nên đều chứa các thành phần không phổ biến trong công thức thức ăn công nghiệp hiện nay, hoặc ở một tỷ lệ bổ sung khác do vấn đề chi phí.
Thực hiện và áp dụng các công thức thức ăn cho tôm hùm đòi hỏi tối ưu hóa chi phí trước khi sản xuất thương mại. Cả hai loại thức ăn tham khảo đều hỗ trợ tăng trưởng kém hơn so với vẹm tươi, nhưng ở những địa phương không sẵn hải sản tươi thì đây lại là giải pháp đáng cân nhắc.
Nông dân Việt Nam vẫn cho rằng tôm hùm không hợp thức ăn viên công nghiệp, thức ăn viên thường đắt hơn và dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với thức ăn truyền thống. Nhận thức này không có cơ sở vì hiện trên thị trường chưa sẵn có thức ăn viên cho tôm hùm. Thực tế, các công ty thức ăn chăn nuôi không chú trọng sản xuất thức ăn cho tôm hùm do sản lượng nhỏ và hiệu suất kém hơn thức ăn truyền thống.
Nhưng các phân tích kinh tế cho thấy, thức ăn cho tôm hùm sẽ có giá cao hơn và có FCR tốt hơn so với thức ăn truyền thống. Do đó lợi nhuận có thể cao hơn ngay cả khi khối lượng sản xuất nhỏ hơn. Dù vậy, người nuôi tôm hùm ở Việt Nam cũng không mặn mà với thức ăn công nghiệp nên các công ty thức ăn cũng chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này. Trái lại, Indonesia lại đầu tư nhiều hơn cho sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm do nguồn thức ăn tự nhiên hạn chế.
Sự phát triển của nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam, Indonesia và Australia đang tạo động lực cho sản xuất thức ăn công nghiệp. Để cạnh tranh được với cá tạp và thức ăn thủy sản tươi sống tại Đông Nam Á, ngành thức ăn công nghiệp cần giải pháp hiệu quả về chi phí, cũng như mang lại tăng trưởng tương đương. Muốn đạt được mục tiêu này, thức ăn công nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về dinh dưỡng, chất lượng và giá trị nguyên liệu thô, khía cạnh vật lý của thức ăn, phương pháp cho ăn, kích thích tính thèm ăn và sức khỏe của vật nuôi.
TS Leo Nankervis
Trung tâm Khai thác và NTTS nhiệt đới bền vững, Đại học James Cook, Australia