Trước đây, vào mùa biển động, những phụ nữ miền biển thường phải đi vay mượn, thậm chí vay nóng để trang trải cuộc sống gia đình vì chồng con không thể ra khơi. Song giờ đây, chị em đã có thể chọn nhiều nghề làm sinh kế cho gia đình trong giai đoạn tàu nằm bờ…
Làm nghề biển trên cạn
Về xóm Cồn (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) những ngày này, ở đâu cũng bắt gặp cảnh phụ nữ tất bật đan lưới, vá mành. Hình ảnh ấy cho thấy đã qua rồi cái thời người phụ nữ ven biển “tựa cửa chờ chồng”. Chị Trần Thị Kim Quyên (tổ 6 Hà Ra) chia sẻ: “Mấy năm trước, hễ vào mùa biển động, chồng không đi biển là cả gia đình thiếu trước, hụt sau. Bây giờ, mẹ con tôi tranh thủ mùa biển động, nhàn rỗi đan lưới thuê cho các tàu cá lớn. Mỗi ngày làm như vậy cũng kiếm được khoảng 50.000 đồng/người. Một tháng 2 mẹ con kiếm hơn 3 triệu đồng, gia đình cũng đỡ khó khăn”. Không chỉ gia đình chị Quyên, hầu như hiện nay toàn bộ phụ nữ xóm Cồn đều tham gia vá lưới thuê để làm kế sinh nhai.
Nghề đan lưới, vá mành đang là sinh kế cho nhiều chị em vùng biển.
Về các làng biển ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang mùa này cũng vậy, đi đâu đều bắt gặp cảnh người đục ốc, người xỏ ốc… làm mành. Nghề này không nặng nhọc nên từ trẻ con đến người già đều tranh thủ làm. Không ít đứa trẻ ở Vĩnh Nguyên chỉ mới 5 tuổi đã thạo việc xỏ từng con ốc vào sợi cước; không ít học sinh nơi đây, hàng ngày một buổi đến trường, một buổi làm mành ốc vẫn nuôi giấc mơ vào giảng đường đại học. Nhanh tay xếp mành vào hộp, chị Trần Thị Huy Tự (Tổ sinh kế mành ốc Vĩnh Nguyên) – một trong những người tiên phong trong nghề làm mành ốc ở Nha Trang nhớ lại: “Ngày ấy, gia đình tôi nghèo lắm, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông trong nhà. Tôi bắt đầu với nghề mành ốc từ 1 triệu đồng tiền vay của Hội Phụ nữ, khi ấy chỉ nghĩ làm mành ốc để kiếm thêm ít thu nhập lúc nhàn rỗi”. Tưởng chỉ là nghề phụ nhưng trước tình hình hải sản khan hiếm, nghề làm mành ốc đã là “cần câu cơm” cho rất nhiều phụ nữ ở phường Vĩnh Nguyên. “Trước đây, phụ nữ làng biển thường ít có việc làm, kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng trong những chuyến biển; thu nhập bấp bênh nên cuộc sống lúc nào cũng khó khăn, thiếu thốn. Từ ngày mành ốc “lên đời”, tuy thu nhập không cao bằng các nghề khác nhưng nhiều phụ nữ làng biển đã có việc làm và bớt đi gánh nặng cuộc sống cho nhiều gia đình” – chị Tự chia sẻ.
Mưu sinh đủ nghề
Để có thể giúp kinh tế gia đình tiếp tục phát triển trong mùa biển động, ngoài làm thủ công mỹ nghệ, giờ đây các chị em còn biết buôn bán và làm thêm nhiều nghề khác. Ở các cảng cá lớn như Hòn Rớ, Vĩnh Lương… từ mờ sáng cho tới đêm khuya, lúc nào cũng có một lực lượng lớn phụ nữ miền biển làm việc tại đây. Cảng là nơi mưu sinh của hàng trăm con người với nhiều công việc khác nhau. Phần lớn họ đều là những người không đồng vốn lận lưng, phải bán sức lao động để kiếm sống. Người rửa, gánh cá, người phân loại cá, ai yếu sức thì bán đồ ăn, thức uống cho những người lao động. Tất cả đều phải tìm việc mà làm. Chị Lê Thị Thu Hương (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) chuyên phân loại cá cho chủ nậu ở cảng cá Hòn Rớ cho biết: “Chi phí ngày càng cao, chồng đi biển chẳng đủ trang trải trong gia đình nên tôi làm thêm các việc vá lưới, khuân cá ở các cơ sở chế biến kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Mỗi ngày một lao động ở cảng cá cũng kiếm được từ 80.000 đến 100.000 đồng. Ở đây tiền công được tính theo giờ, theo khối lượng công sức lao động bỏ ra nên ai cũng tranh thủ làm để kiếm được nhiều tiền hơn”.
Bên cạnh việc làm thuê ở các cảng cá, nhiều phụ nữ khác lại chọn cách mua cá ở cảng để đem tới các chợ trong thành phố bán kiếm lời. Buôn bán như vậy thường cho thu nhập cao hơn các công việc khác. Tính ra, mỗi ngày các chị cũng có thể kiếm được từ 120.000 đến 150.000 đồng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.
Dù hiện nay, với việc làm thêm nhiều ngành nghề đã giúp cho đời sống của các gia đình ven biển đỡ khó khăn hơn trước, song nếu muốn thực sự có một nghề nghiệp ổn định, bền vững thì khó khăn nhất của họ vẫn chính là vốn. Nhiều hộ ngư dân rất muốn chuyển đổi ngành nghề hoặc làm thêm những nghề mới nhưng vì không có vốn nên đành chịu. Theo bà Trương Thị Thanh Tùng – Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, mỗi năm TP. Nha Trang được cấp khoảng 500 triệu đồng cho chính sách giải quyết việc làm, riêng chị em ở các phường ven biển đã được vay mấy trăm triệu đồng. Tuy nhiên, số vốn này vẫn quá ít so với nhu cầu thực tế. Để có thể đáp ứng đủ vốn cho phụ nữ ở các phường ven biển làm kinh tế, mỗi năm phải có ít nhất hơn 3 tỉ đồng. Phụ nữ ở các phường ven biển rất mong các cấp, các ngành tạo điều kiện được vay vốn để có thể phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho gia đình.