Đến Lý Sơn, thỉnh thoảng bạn nghe ai đó ngân nga “…Ai ra khơi không mang theo lưới” được nhại từ câu hát “ai hôm nay ra khơi buông lưới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Bởi ở đảo có 407 tàu đánh bắt hải sản với chừng 3.000 lao động, lại có đến 200 chiếc với hơn 1.000 ngư dân vẫn thường xuyên ra khơi…không mang lưới. Đấy là những con tàu mang theo các thợ lặn chuyên nghiệp, ngang dọc khắp các vùng biển.
“Sư đoàn thợ lặn”
Ở đảo Lý Sơn và xã Bình Châu, nơi nghề lặn biển chảy trong huyết quản, thế hệ này trao truyền qua thế hệ khác và họ mặc nhiên đón nhận như đón nhận hương vị mặn mòi của biển để lớn lên và sống cùng với nghề, với biển.
Hơn 2.000 ngư dân như kình ngư ở Lý Sơn, Bình Châu vẫy vùng ngang dọc dưới đáy đại dương săn bắt các loại sản vật. Nguồn thu từ nghề này đưa kinh tế nhiều gia đình khấm khá, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, phát triển kinh tế địa phương.
Những thành viên của “sư đoàn thợ lặn” Quảng Ngãi – Ảnh: Trà Giang
Lý Sơn, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, cách đất liền hơn 30km. Bốn bề được bao bọc bởi biển cả mênh mông. Trẻ con ở đây ngay từ khi lọt lòng mẹ đã hít hà vị mặn mòi của biển, trải dài đời người với ánh bình minh hay hoàng hôn rực nắng cũng ngả về phía biển. Biển hiền hòa, dịu êm, lúc lại trở chứng cuồng phong dữ dội mỗi khi có gió chướng tràn về. Có lẽ vậy nên tính cách của người Lý Sơn được hun đúc, nhào nặn cùng biển. Như Dương Anh (43 tuổi), một trong những thợ lặn kỳ cựu của đất đảo này
Với nước da rám nắng đen giòn, với chất giọng hào sảng Dương Anh bảo rằng không nhớ mình biết bơi, biết lặn từ khi nào. Chỉ nhớ 16 tuổi bắt đầu xuống biển, đi tàu, cứ nổi lềnh bềnh thế. 18 tuổi, qua những lần tập dượt, thử thách, chủ tàu cho lặn. Ban đầu lặn sâu 10m, rồi 30m, rồi 40m, sâu dần hơn nữa thì 70-75m. Nói chuyện với người bên cạnh chỉ cách vài bước chân, giọng của Dương Anh cứ oang oang nghe đến chói tai…
Anh kể tàu đánh bắt hải sản nhưng chủ tàu, thuyền viên là “thợ đụng” (đụng gì làm nấy). Hay tin có con tàu nào đó bị chìm, có thể từ 100 năm trước, hay tàu bạn mới bị chìm hôm qua, lập tức đội quân thợ lặn này có mặt ngay để lặn tìm. Hay ngóng điểm khác có loài hải sâm (loài hải sản quý hiếm hiện nay), đồn đột xuất hiện nhiều là họ đến liền. Từ độ sâu 5m cho đến 60-70m nước, chưa bao giờ Anh cùng bạn tàu từ nan hay bỏ cuộc. Hàng trăm chiếc tàu kiểu này cứ lênh đênh trên biển, hết Hải Phòng, Quảng Ninh, lại Côn Đảo, Phú Quốc; hết Hoàng Sa, họ xuống Trường Sa.
Trong đầu các ngư phủ này là chi chít tọa độ, kinh tuyến, vĩ tuyến, những nơi mà họ nhận được lời nhắn từ đồng nghiệp về một con tàu bị đắm hay ổ của các loài hải sản quý hiếm. Hành trang mà thợ lặn mang theo ngoài số lương thực, thực phẩm cho một tháng ăn là dụng cụ hành nghề vô cùng đơn giản: ống dẫn khí nối từ trên tàu với người lặn dưới nước, súng săn tự tạo để “bắn” hải sản. Loại súng này chỉ có mỗi “viên đạn” là một lưỡi mác bé xíu, dính chặt với khẩu súng. Khi phát hiện, thợ săn chỉ bật cò cho lưỡi mác lao về phía con mồi. Mỗi thợ lặn còn được trang bị một cặp kính chuyên dụng để có thể nhìn rõ con mồi dưới nước.
Dạo chơi dưới thủy cung
Buổi trưa nắng cuối tháng 3, chúng tôi rảo bước qua những con đường thôn Gành Cả, xã Bình Châu. Doi đất hình vòng cung ôm theo biển nhỏ xíu nhưng san sát những biệt thự trị giá bạc tỉ. Đường làng vắng hoe. Thỉnh thoảng bắt gặp phụ nữ, người già và trẻ em đi học về. Mở quán nước ngay con đường cụt, phía trước là mặt biển, chị Nguyễn Thị Lành (39 tuổi), có chồng đi biển hơn 20 ngày chưa về, bảo là mùa này xuống tìm người khó lắm, đàn ông, thanh niên đi lặn biển hết rồi.
Những thiết bị lặn khá đơn sơ: dây hơi, kính lặn – Ảnh: Trà Giang
Nếu ở Lý Sơn đi lặn còn được gọi là thợ chứ ở Gành Cả gọi rất gần gũi là dân lặn. Có điều lạ nữa là ngư dân Lý Sơn lặn ngày thì ngư dân Bình Châu lại chuyên lặn đêm. Ngư dân Nguyễn Văn Trung (37 tuổi), một dân lặn có thâm niên trên 15 năm, lý giải: “Đêm hay ngày thì xuống đáy đại dương cũng như nhau thôi. Nhưng về đêm các loại hải sản dường như mệt nhoài hơi sau một ngày sải vây bơi. Nghề của chúng tôi là đi dạo săn cá, hải sâm dưới “thủy cung” vào ban đêm”.
Trung kể cứ ngày ngủ, đêm làm. Bắt đầu từ 19g đêm đến 4g sáng hôm sau. Ban đêm, khi các loài cá, hải sâm ẩn mình trong các rạn san hô ngủ say, thợ lặn mang đèn pin rọi và cầm dùi sắt đâm chúng bỏ vào túi mang theo trên lưng.
“Nghề này tuy hiểm nguy, vất vả nhưng thu nhập tương đối cao nên anh em ham làm. Nếu suôn sẻ, một tàu mỗi năm đi được sáu phiên biển, thu về khoảng 3 tỉ đồng, trừ chi phí khoảng 900 triệu đồng, còn lãi trên 2 tỉ đồng chia nhau” – ngư dân Nguyễn Lợi tính toán.
“Lặn riết thành quen, cứ cập bờ được vài hôm, chưa quen lại hơi vợ con lại cồn cào nhớ biển, cái chân lại muốn đạp, cái tay lại muốn sải. Thế là lại dong thuyền ra khơi. Chẳng ai lý giải được sức mạnh ma thuật hay sự kỳ bí trong lòng đáy đại dương luôn cuốn hút, thôi thúc mọi người. Chỉ biết rằng chỉ có trở về với lòng biển, cái chất phóng khoáng tự do vẫy vùng của cư dân biển mới được thỏa mãn, được là chính mình. Nói gở, nếu một ngày các ngư dân chẳng thể ra khơi mà ở trên đất liền như tôi sẽ là những ngày “cầm tù” đối với cuộc đời ngư dân”- thợ lặn Nguyễn Thanh Nam triết lý. Anh Nam cũng là tay lặn chuyên nghiệp của cái xóm “tỉ phú” này, bây giờ tuổi cao sức yếu không tham gia lặn nữa mà ở nhà làm đèn lặn.
Đang lúi húi đưa những mẻ nước đá cuối cùng vào hầm chứa, ngư dân Huỳnh Hoàng (45 tuổi) kể thêm về những chuyến lặn. Mỗi tàu làm nghề lặn từ 12-15 người, trong đó có một người chuyên lo nấu ăn và một tài công, còn lại là thợ lặn. Sau mỗi chuyến đi biển, tiền thu về đem chia 4-6 (chủ tàu 4 phần, thuyền viên 6 phần), bình quân mỗi thợ lặn thu nhập trên 15 triệu đồng/chuyến, thậm chí có chuyến biển mỗi thợ lặn thu về trên 20 triệu đồng.
Khu nhà khang trang ở làng lặn Gành Cả (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) – Ảnh: Trà Giang
Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng bảo: “Nhờ nghề lặn đêm ngư dân thu về tiền tỉ nên mới làm được nhà cao cửa rộng như vậy. Cả xã có khoảng 80 tàu cá làm nghề lặn, trong đó xóm Gành Cả khoảng 50 chiếc với trên 700 lao động làm nghề lặn đêm. Ngoài tạo việc làm và thu nhập cao cho ngư dân địa phương, nghề lặn đêm ở đây còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ngoài tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa với thu nhập khá cao”.
>> Dọc các làng biển Việt Nam, không đâu như Quảng Ngãi. Ở đó có rất nhiều ngư dân chuyên hành nghề lặn biển. Cuộc đời của họ gần như gắn với đáy đại dương. Riêng huyện đảo Lý Sơn và xã Bình Châu (H.Bình Sơn) đã có hàng ngàn ngư dân chuyên lặn dưới đáy biển. Họ không qua trường lớp đào tạo nào nhưng lặn cực kỳ chuyên nghiệp, có thể lặn sâu 50-70m, mò bắt các loại sản vật, trục vớt cổ vật, tàu đắm… |
Kỳ tới: Những chuyến lặn bạc tỉ