Vào thời điểm này, ở các huyện như Ðầm Dơi, Phú Tân, Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) bà con nông dân đang vào mùa thu hoạch sò huyết thương phẩm. Theo ghi nhận tại các hộ nuôi, sò năm nay đạt đầu con hơn mọi năm nhưng giá thành thì thấp hơn nhiều so với trước Tết. Ðiều này ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.
Những năm qua, ngoài nuôi xen canh tôm – cua, người dân thuộc các huyện ven biển Ðông tận dụng lợi thế phù sa màu mỡ nuôi thêm sò huyết thương phẩm. Chính nhờ cách nuôi lồng ghép này đã giúp bà con có thu nhập ổn định, vươn lên khá giàu. Mặc dù giá thành có lúc lên xuống nhưng những hộ nuôi vẫn kiên trì phát triển mô hình nuôi xen canh này.
Hộ ông Huỳnh Hải Dân, ấp Má Tám, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, vừa thu hoạch sò huyết để bán lại cho vựa. Ông Dân lắc đầu ngao ngán: “Sò huyết vầy mà giá bán chỉ có 120 ngàn đồng/kg, sao nông dân có lời? Không bán thì không được, bán thì ép bụng dữ lắm”.
Sò rớt giá, người dân chịu khổ.
Ðược biết, hộ ông Dân có kinh nghiệm nuôi sò huyết thương phẩm hơn 15 năm nay. Với diện tích gần 2 ha, ông Dân nuôi xen canh tôm, cua và sò huyết, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng. Ông Dân cho biết, so với nuôi tôm, cua thì nuôi sò thu nhập cao hơn, giúp cho gia đình ông có điều kiện phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Mai Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Má Tám, cho biết, trong ấp hầu như hộ nào cũng nuôi sò huyết. Từ đó, để tạo đầu ra ổn định, ấp đã thành lập tổ hợp tác nuôi sò huyết gồm 27 thành viên. Qua gần 4 năm hoạt động, dù có thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19, giá thành bấp bênh nhưng các thành viên trong tổ đạt trên 90% lợi nhuận, đảm bảo lấy lại vốn, không bị lỗ. Từ kết quả đạt được không chỉ giúp hội viên mà cả những hộ dân lân cận phấn khởi nuôi theo và thả với số lượng lớn.
Ông Hằng cho biết: “Bình quân 1 ha tôi thả nuôi 100 tấn sò giống. Sau vài tháng thả nuôi, tôi thu về trên 500 triệu đồng”. Nhưng đó là thời điểm sò thương phẩm có giá, như loại 60 con/kg giá 210 ngàn đồng/kg, loại 80 con/kg giá 160 ngàn đồng/kg. Còn hiện tại, sò huyết thương phẩm đã rớt giá mạnh, loại 60 con/kg chỉ còn 140 ngàn đồng/kg, loại 80 con còn 110 ngàn/kg. Bình quân giá giảm từ 50 – 70 ngàn đồng/kg. Nếu so với thời điểm được giá thì người nuôi sò huyết lỗ trên 130 triệu đồng/ha.
Sò đã đến lứa buộc nông dân phải thu hoạch, nhưng giá thấp khiến người nuôi lỗ chi phí.
“Có lúc vựa không mua sò, có ngày chỉ cân 5 kg, nếu lên nhiều hơn cũng không cân, có khi cách 2 – 3 ngày thương lái mới đến cân một lần nhưng số lượng không tăng. Có hỏi thì thương lái bảo không có đầu ra. Lên số lượng ít vậy, nếu thuê người mò thì không có lời nên vợ chồng tôi tự mò luôn”, ông Dân bộc bạch.
Ông Dân trần tình: “Hiện các vựa không mua hoặc mua với số lượng nhỏ, mỗi ngày chỉ thu mua chừng 10 kg. Nhưng không thu hoạch thì không được vì sò huyết nhà tôi đã tới lứa rồi (loại 60 con/kg), còn nếu thu hoạch thì bị ép giá, không có lời”.
Bà Trần Thị Ngân, Phó chủ tịch UBND xã Việt Thắng, cho biết: “Mô hình tôm – cua – sò là mô hình được nông dân lựa chọn phát triển kinh tế. Thời gian qua mô hình đã chứng minh được hiệu quả, tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà giá cả tôm, cua, sò từng lúc chưa được như mong muốn. Người dân vẫn chịu thiệt thòi với cái vòng luẩn quẩn được mùa – mất giá”.
Theo ghi nhận, những hộ có điều kiện như ông Hằng thì thả nuôi từng đợt với số lượng lớn từ 1 đến vài tấn sò giống. Còn những hộ không có điều kiện, vốn ít như ông Dân thì thả theo hình thức nối đuôi, cứ thu hoạch theo chủ vựa đặt hàng, có khi thu hoạch liên tục mấy ngày mới bán được một lần. Nguồn lợi nhuận, ngoài chi sinh hoạt cho gia đình, còn dư thì mua sò giống thả nuôi tiếp.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cùng với ngành chức năng cần có những giải pháp căn cơ để gỡ rối cho người dân, để người dân có niềm tin bám trụ với mô hình kinh tế này./.
Kim Cương
Nguồn: Báo Cà Mau