Sóc Trăng: Cung cấp lươn, chạch lấu giống chất lượng

Chưa có đánh giá về bài viết

Nắm bắt nhu cầu về giống của người dân theo sự khuyến cáo của ngành chuyên môn, gần 2 năm qua, anh Trương Bửu Tính, ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú đã phát triển mô hình nuôi lươn, cá chạch lấu cho sinh sản để đáp ứng con giống tại địa phương.

Khu vực dành nuôi lươn, cá chạch lấu bố mẹ cho sinh sản được anh Tính triển khai ngay trên diện tích đất của gia đình và được đầu tư khá bài bản. Ngoài nuôi lươn, cá chạch lấu, anh còn phát triển chăn nuôi bò sinh sản, tận dụng nguồn phân bò nuôi trùn quế làm thức ăn cho lươn, cá ăn và nuôi một số loài cá bán làm cảnh. Đưa chúng tôi ra tham quan khu vực bể chứa cá chạch lấu bố mẹ phía sau nhà, dùng chiếc vợt vớt cả bầy cá chạch đang giai đoạn sinh sản cho khách xem, anh Tính tâm tình: “Cá chạch lấu có giá trị kinh tế rất cao, nếu như trước đây cá chạch lấu có nhiều trong tự nhiên và nhất là vào mùa nước nổi thì ngày nay tìm đỏ mắt rất hiếm chợ nào bán loài cá này, bởi nguồn cá ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt do tác động môi trường, sự khai thác quá mức theo kiểu tận diệt của người dân và để phục hồi giống cá chạch lấu, tôi đã lựa chọn giống bố mẹ nuôi rồi cho chúng sinh sản theo hình thức nhân tạo nhằm tạo ra con giống cung cấp đến người nuôi. Sở dĩ tôi biết cách sản xuất lươn và cá chạch lấu giống bởi tôi đã học qua lớp chăn nuôi thủy sản và sau tốt nghiệp tôi làm việc hơn 1 năm tại Trại thực nghiệm nuôi thủy sản của nhà trường nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu chọn tạo các giống thủy sản. Trong các loài con giống tôi chú ý nhiều đến con lươn và cá chạch lấu do 2 loài có giá trị kinh tế cao”.

Anh Tính khoe bể nuôi cá chạch lấu bố mẹ sinh sản – Ảnh: Thúy Liễu

Nhẹ nhàng hạ thấp chiếc vợt cho số cá chạch bơi ra hồ, anh Tính tiếp lời: “Khi có ý định sẽ sản xuất lươn và cá chạch giống, ngay thời điểm làm việc tại Trại thực nghiệm, tôi đã lựa chọn nguồn giống bố mẹ sinh sản để nuôi dưỡng một thời gian và sau đó đem về nuôi tại hộ với số lượng lươn là 120 kg và cá chạch 100 kg. Nhờ vậy, lươn đem về nuôi khoảng 3 tháng đã sinh sản, với số lượng lươn bố mẹ như trên, qua 1 năm số lươn con thu về tầm 200.000 con, lươn con nuôi 3 tháng xuất bán con giống, giá dao động 3.000 – 4.500 đồng/con. Còn đối với cá chạch số lượng giống là 100 kg, nuôi cá cho đến sinh sản trên 2 năm, tuy nhiên trước đó, tôi đã nuôi gần 1 năm mới đem về nuôi tiếp tại hộ nếu lươn sinh sản tự nhiên thì cá chạch sinh sản nhân tạo, phải ép lấy trứng cá, rồi cho trứng ấp nở thành cá con cũng trải qua nhiều công đoạn nên tỷ lệ cá đạt chưa cao lắm, năm 2018 số lượng con giống xuất bán hơn 15.000 con. Tất cả lươn giống, cá giống đều được khách hàng đặt mua nên không đủ con giống để bán ra cho khách nếu mua trực tiếp tại hộ. Như vậy, trong năm 2018 tiền bán con giống lươn và cá tôi thu về lợi nhuận 150 triệu đồng, ước năm 2019 số tiền lợi nhuận cũng tương đương”.

Theo chia sẻ của anh Tính để lươn nuôi trong bể chứa lót bạt (nuôi lươn không bùn) phát triển tốt, người nuôi nên xây dựng chuồng nuôi thông thoáng, diện tích không cần lớn, ao nuôi chỉ tầm 5 – 10 m2, mật độ thả nuôi 200 – 300 con/m2, mực nước trong bể tầm lên cao tầm 10 cm lúc lươn còn nhỏ và cứ thế tăng dần mực nước lên theo độ lớn của lươn. Vì không sử dụng bùn trong ao nên cần treo giá thể bằng dây nilon để lươn có chỗ ẩn nấp theo tập tính. Đồng thời, giai đoạn đầu nuôi lươn cũng cần đến việc chú ý thay nước trong bể nuôi nhằm đảm bảo nước luôn sạch để lươn phát triển tốt, dễ dàng nhận thấy những biểu hiện bất thường trên lươn nuôi kịp thời phòng trị.

Anh Tính bên bể nuôi đàn lươn bố mẹ sinh sản

Ông Võ Văn Bé, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng thông tin: “Mô hình nuôi lươn, cá chạch lấu cho sinh sản cung cấp giống tại hộ anh Tính theo đánh giá ban đầu đây là mô hình rất có tiềm năng. Do vậy, cần nhân rộng số lượng lươn, cá bố mẹ sinh sản để cung ứng giống tại địa phương. Tới đây, Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ mô hình để anh Tính có thêm nguồn kinh phí thực hiện việc mở rộng số lượng giống bố mẹ của hai loài thủy sản trên, góp phần tạo nguồn giống ổn định tại địa phương cũng như phát triển loài cá chạch lấu ngày càng cạn kiệt trong tự nhiên cung cấp đến người tiêu dùng, tăng thu nhập cho bà con nông dân nuôi lươn, cá thương phẩm…”.

>> Trên thị trường, cá chạch lấu cỡ khoảng 250 – 500 g/con được bán với giá 280.000 – 350.000 đồng/kg, cá có trọng lượng lớn hơn có giá hơn 400.000 đồng/kg cá thịt. Loại cá ngon này tiêu thụ chủ yếu ở nhà hàng và các quán ăn đặc sản.

Thúy Liễu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!