Vừa qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Ngọc Nhã cùng các đơn vị trực thuộc Sở, UBND huyện Cù Lao Dung và các ban, ngành đoàn thể đi khảo sát thực tế nguồn nghêu giống vùng ven bờ biển tại huyện Cù Lao Dung.
Từ năm 2006, khu vực rừng ngập mặn và khu vực bãi bồi huyện Cù Lao Dung đã xuất hiện nhiều loài thủy sản có giá trị như cua, thòi lòi, ba khía, óc len, vọp, nghêu… Đặc biệt, loài nghêu bố, mẹ, nghêu giống xuất hiện nhiều tại khu vực bãi bồi trong thời gian từ cuối tháng 3 đến tháng 8 dương lịch hàng năm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do biến động thời tiết, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự thay đổi dòng chảy sông MêKông, đặc biệt là sự khai thác quá mức, nên các loài nghêu bố, mẹ, nghêu giống không còn xuất hiện. Chính vì vậy, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiến hành nghiên cứu đề tài: “Khảo sát, đánh giá trữ lượng và thời điểm xuất hiện nguồn nghêu giống ở vùng ven bờ biển Sóc Trăng”. Qua đó đã biết được vị trí, thời điểm xuất hiện và trữ lượng nguồn nghêu giống, góp phần để cơ quan quản lý có thêm thông tin chính xác về nguồn nghêu và triển khai tốt các biện pháp quản lý và khai thác có hiệu quả, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân ven biển.
Đoàn công tác Sở NN&PTNT khảo sát bãi nghêu giống tại xã An Thạnh 3, Cù Lao Dung. Ảnh Thúy Liễu
Phó Giám đốc Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, chuyến khảo sát đã giúp đơn vị nắm thêm tình hình thực tế tại địa phương về các thuận lợi, khó khăn cùng phối hợp thực hiện tham mưu cho UBND tỉnh có những chỉ đạo tốt hơn trong việc quản lý khai thác, thu gom, vận chuyển, kinh doanh nghêu giống, sò giống tại các vùng bãi bồi ven biển tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, góp phần giúp ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị có liên quan, địa phương thành lập Tổ tự quản cộng đồng nhằm quản lý khu bảo vệ nghêu bố, mẹ tại khu vực bãi bồi xã An Thạnh 3 và thông qua dự án IUCN phối hợp với địa phương thực hiện việc khoanh vùng quản lý giống nghêu bố, mẹ…