Sóc Trăng: Nhóm Đồng quản lý rừng ngập mặn thứ hai được thành lập

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 5/4, tại ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (Trần Đề – Sóc Trăng), Dự án hợp tác kỹ thuật Việt-Đức “Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng” (GIZ) phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng ký chứng thực quy chế và ra mắt nhóm Đồng Quản lý rừng ngập mặn ven biển.

Thay mặt nhóm đồng quản lý ấp Mỏ Ó, ông Triệu Thanh Phong, Trưởng nhóm cam kết cùng các thành viên thực hiện đúng theo quy chế đã ký kết; hỗ trợ và chung tay cùng chính quyền địa phương trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên (TNTN), cải thiện cuộc sống cho các thành viên trong nhóm; bảo vệ và sử dụng TNTN một cách bền vững trước tình hình phát triển dân số và biến đổi khí hậu như hiện nay.

Rừng bần An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng (Ảnh: Cổng TTĐT Sóc Trăng) 

Rừng bần An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng (Ảnh: Cổng TTĐT Sóc Trăng)

Ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, với sự hợp tác tốt của tổ chức GIZ, sự quản lý của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và nhất là sự cam kết tự nguyện của cộng đồng, các bên cùng nâng cao trách nhiệm trong việc khai thác, sử dụng TNTN vùng ven biển được bền vững. Những lợi ích được chia sẻ một cách công khai không làm ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của rừng phòng hộ và nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Đây là mô hình thứ 2 được thực hiện thí điểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (sau mô hình Đồng quản lý ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu). Mục đích của các mô hình là tạo một khung chính sách mới về Đồng quản lý rừng, thủy sản; tạo cơ chế thu hút sự tham gia của cộng đồng, của các hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng ven rừng; đồng thời chia sẻ những lợi ích hợp pháp tương xứng với sự đóng góp của các bên và không làm ảnh hưởng đến chức năng của rừng.

Mỏ Ó là ấp ven biển của xã Trung Bình, có diện tích đất rừng phòng hộ khoảng 250 ha, nguồn tài nguyên thiên nhiên thủy sản ven bờ bị ảnh hưởng nhiều do áp lực của dân số và biến đổi khí hậu. Để nguồn lợi TNTN được phục hồi và phát triển, Dự án GIZ cùng các cấp chính quyền địa phương khảo sát lấy ý kiến của người dân trong ấp. Trên tinh thần tự nguyện, 180 hộ đã tham gia nhóm Đồng quản lý ấp Mỏ Ó.

Thiennhien.net

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!