Theo dự báo thời tiết của ngành chuyên môn, trong tháng 8 và tháng 9/2024, thời tiết có những ngày nắng nóng gay gắt và trời đột ngột chuyển sang mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và mưa rất to. Tổng lượng mưa phần lớn ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 – 30%. Số giờ nắng ở mức cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm.
Tổng số giờ nắng 170 – 180 giờ, nhiệt độ trung bình từ 28,5 – 29,5 độ C, cao nhất 34,5 – 35,5 độ C, thấp nhất 24 – 25 độ C. Số ngày nắng nóng to và mưa xảy ra đột ngột sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi tôm nước lợ của hộ dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, do đó trong thời điểm hiện tại, hộ nuôi phải quan tâm đến việc bảo vệ tôm trong ao nuôi. Hiện tại, toàn tỉnh đã thả nuôi tôm nước lợ hơn 40.276/50.820ha, thu hoạch hơn 18.281ha, ước sản lượng hơn 100.287 tấn, trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng hơn 95.961ha. Hiện nay, ước còn hơn 20.073ha tôm trên đồng. Tôm thiệt hại chiếm 4,8% diện tích thả nuôi. Nguyên nhân thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng, yếu tố môi trường, bệnh gan tụy, vi bào tử trùng và phân trắng. Về giá tôm so với cùng kỳ năm 2023, tôm cỡ 20 con/kg giảm 2.000 đồng/kg; tôm cỡ 30 – 40 con/kg tăng bình quân 1.500 đồng/kg; tôm cỡ 50 – 70 con/kg tăng bình quân 6.700 đồng/kg; tôm cỡ 80 – 100 con/kg tăng bình quân 10.700 đồng/kg; tôm cỡ từ 110 – 120 con/kg tăng bình quân 18.000 đồng/kg.
Dự báo thời tiết của ngành chuyên môn là trong thời gian tới, khí hậu khu vực tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng bởi rìa phía Nam khối không khí lạnh phía Bắc hoạt động yếu. Đồng thời, đang thời điểm mùa nắng nóng, hanh khô do đó sự chênh lệnh nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao có thể dẫn đến môi trường ao nuôi dễ biến động, rủi ro tôm nuôi dễ mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp, phân trắng, EHP… Ông Đồ Văn Thừa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng khuyến cáo hiện người nuôi cần cải tạo ao thật kỹ và diệt bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh và ảnh hưởng đến đường ruột của tôm như: tép, cá tạp, hến, còng, ốc đinh và diệt bỏ các loại giáp xác khác trước khi lấy nước vào ao nuôi. Tuyệt đối không xả nước thải, bùn thải trong quá trình cải tạo ao, hay xi phông trực tiếp ra ngoài kênh rạch tự nhiên khi chưa được xử lý.
Nếu có điều kiện, người nuôi nên dành một phần diện tích để thiết kế ao nuôi theo mô hình ương nuôi nhiều giai đoạn, có tuần hoàn nước, lót bạt có hố xi phông đáy ao. Hộ nuôi cần dành một phần diện tích (ít nhất 15% tổng diện tích ao nuôi đối với ao đất và ít nhất 50% đối với ao bạt) để làm ao lắng, ao dự trữ nước cho tôm nuôi. Đối với ao lắng, ao dự trữ nước nên đắp bờ cao lên xung quanh ao, đồng thời lót bạt bờ hoặc bạt đáy ao để nâng chiều sâu ao lên từ 2 – 2,5m để dự trữ được nhiều nước phục vụ nuôi tôm. Đồng thời bố trí ít nhất 10% tổng diện tích ao nuôi để làm ao chứa thải, bùn thải.
Về con giống thả nuôi, chọn con giống ở cơ sở có uy tín, có thương hiệu, có nguồn gốc, cơ sở rõ ràng, có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, con giống có giấy kiểm dịch và phải xét nghiệm sạch bệnh ít nhất 3 loại bệnh thường gặp đó là đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và bệnh còi – vi bào tử trùng. Khi chọn giống thả, kích cỡ sú từ post 15 và thẻ từ post 12 trở lên, tôm đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, lội ngược dòng, phản xạ tốt với tiếng động, gan tụy và ruột sậm màu, tỷ lệ dị hình dưới 0,5%. Khi thả giống đầu vụ nên thả thăm dò, rải vụ một phần diện tích nếu con giống tốt, môi trường, thời tiết thuận lợi thì thả tiếp.
Ông Đồ Văn Thừa lưu ý hộ nuôi tôm, trong thời điểm thời tiết bất lợi như hiện tại, hộ nuôi tôm cần theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường, lấy vào ao dự trữ nguồn nước có độ mặn thích hợp từ 5‰ trở lên và khi lấy vào ao thì xử lý, điều chỉnh các yếu tố môi trường sao cho ổn định, tối ưu cho tôm nuôi như độ mặn từ 5‰ trở lên, độ pH trung bình 7.5, độ kiềm từ 120mg/lít, độ trong 20 – 35cm, oxy hòa tan lớn hơn 5mg/lít; đồng thời theo dõi chặt chẽ và khống chế yếu tố khí độc NH3, NO2, H2S trong quá trình nuôi. Đối với việc cho tôm ăn, thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ nước >33oC nên cắt cữ tôm ăn hoặc giảm 30 – 50% lượng thức ăn, đồng thời tăng cường sử dụng vi sinh, men tiêu hóa, axit hữu cơ để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, làm sạch môi trường nước ao nuôi cho đến khi thời tiết, môi trường ao nuôi ổn định thì tăng từ từ lượng thức ăn trở lại. Nên cho tôm ăn từ vừa thiếu đến vừa đủ và chia thành nhiều cữ trong ngày, đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước luôn ≥ 5mg/lít để đảm bảo oxy cho tôm nuôi và hệ vi sinh vật hiếu khí có lợi phát triển trong ao tôm…
“Con tôm nuôi nước lợ trong mùa mưa sẽ gặp các thách thức, đó là nước mưa có tính axit, làm giảm pH, ngoài ra nước mưa làm giảm kiềm, độ mặn, làm phân tầng nước, do đó làm cho tôm dễ bị sốc sau những cơn mưa, nhất là thời điểm tôm đang lột vỏ. Cùng với đó, nếu mưa lớn kéo dài làm cho tảo thiếu ánh sáng cộng với sự biến động lớn về môi trường như: nhiệt độ, pH, kiềm, sự phân tầng nước… làm cho tảo dễ bị tàn (tảo chết). Tảo tàn sẽ gây ra hiện tượng thiếu oxy cục bộ do xác tảo phân hủy tạo khí độc NH3, H2S… làm gia tăng vi khuẩn có hại trong môi trường ao nuôi. Tất cả những yếu tố nêu trên gây bất lợi cho tôm, làm tôm giảm ăn, sức đề kháng giảm khiến tôm bị chết do khí độc hoặc do khuẩn tấn công gây ra bệnh, nhất là bệnh đường ruột. Vì vậy, trong thời điểm mùa mưa, khuyến cáo hộ nuôi tôm giữ mực nước ao nuôi từ 1,4 – 1,6m. Khi trời mưa, nhiệt độ trong ao xuống thấp cần giảm lượng thức ăn (tùy khả năng bắt mồi của tôm) có thể giảm từ 30 – 50%. Bón vôi CaO, hay CaO3 để trung hòa lượng axit trong nước mưa. Tăng cường quạt nước mục đích cho nước không phân tầng, tăng sự hòa tan oxy cho ao nuôi”, ông Đào Văn Bảy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng chia sẻ.
Với thông tin thời tiết và khuyến cáo của ngành chuyên môn, hộ nuôi tôm tại các vùng nuôi tôm trọng điểm trên địa bàn tỉnh hết sức lưu ý và quan tâm thực hiện để có mùa vụ nuôi tôm thành công.
Thúy Liễu
Nguồn: Báo Sóc Trăng