Sớm chủ động nguồn giống rô phi

Chưa có đánh giá về bài viết

Xoay quanh vấn đề tiềm năng, triển vọng cũng như những cản trở trong việc phát triển nuôi và xuất khẩu cá rô phi, Thủy sản Việt Nam phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Hữu Ninh (ảnh) – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I.

Đánh giá của ông về tiềm năng cá rô phi của Việt Nam?

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nuôi cá rô phi, như: khí hậu thuận lợi, nhiều diện tích nước ngọt và nước lợ phù hợp cho nuôi, kỹ thuật nuôi đã phát triển, con giống chất lượng tốt, công nghiệp sản xuất thức ăn phát triển, hệ thống nhà máy chế biến có năng lực chế biến cá rô phi, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu lớn…

 

Tại thời điểm này vị thế của cá rô phi trong ngành thủy sản thế nào, thưa ông?

 Hiện nay, sản lượng cá rô phi khoảng 120.000 tấn/năm, chủ yếu được tiêu thụ nội địa. Một số doanh nghiệp như Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa, Công ty Nam Việt, Tập đoàn Minh Phú … đang đẩy mạnh xuất khẩu. Nguồn cá giống hậu bị chất lượng tốt khá sẵn có, song còn rất ít cơ sở sản xuất cá giống tập trung, quy mô lớn, chất lượng tốt phục vụ nuôi thương phẩm. Chưa có hoặc còn ít quy hoạch vùng nuôi cá rô phi tập trung tạo sản lượng lớn phục vụ xuất khẩu. Chưa có nhiều vùng nuôi cá rô phi thương phẩm được cấp chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP…). Truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn chưa được làm tốt. Dịch bệnh còn phổ biến, chưa được kiểm soát tốt. Đầu tư nghiên cứu tuy đã được chú trọng nhưng thiếu tính liên tục và còn phân tán. Công tác chuyển giao công nghệ khá hạn chế.

 

Nhiều nước khác đã chọn đến thế hệ cá GIFT 23 – 25, trong khi Việt Nam vẫn dùng thế hệ GIFT 12 – 13; liệu chúng ta có chậm và đáng lo?

Việt Nam chọn giống cá rô phi trên cơ sở tiếp quản đàn cá GIFT thế hệ 5 từ Philippines, đến nay đã thêm 13 thế hệ; vậy là không quá tụt hậu so với thế giới. Tuy vậy, công tác chọn giống cần phải được thực hiện liên tục, tích hợp các đàn cá tốt làm vật liệu chọn giống để duy trì và tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình chọn giống.

 

Đánh giá chung của ông về chất lượng con giống hiện nay?

Theo nhiều kết quả nghiên cứu thì chất lượng giống cá rô phi của Việt Nam khá tốt. Cá nuôi đạt khối lượng 700 – 800 g/con sau 5 – 6 tháng nuôi, tỷ lệ fillet cao. Giống cá rô phi nhập nội hiện nay phần lớn qua đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được đánh giá chất lượng; tuy nhiên, giống cá rô phi nhập về được người buôn bán thay đổi thường xuyên, hợp thời vụ nên được nhiều người nuôi lựa chọn.

Năng lực sản xuất giống cá rô phi của Việt Nam đang còn thấp hơn so với nhu cầu, nhất là nhu cầu thời vụ. Do vậy, việc nhập khẩu giống vẫn diễn ra theo mùa vụ nuôi, nhất là giai đoạn đầu vụ ở miền Bắc.

Để thúc đẩy phát triển cá rô phi thành một trong những đối tượng nuôi chủ lực, vấn đề liên kết vùng nuôi và chế biến xuất khẩu cần như thế nào?

Xác định những cản trở chính trong chuỗi giá trị để tháo gỡ. Đó là, quy hoạch vùng nuôi và chế biến, liên kết giữa trại sản xuất giống – người nuôi – doanh nghiệp chế biến – cung cấp thức ăn, dịch vụ, trang thiết bị cần thực hiện tốt. Ngoài ra, cần trú trọng phát triển thị trường.

 

Đã có những đề xuất cần thiết phải có đề án về phát triển cá rô phi. Quan điểm của ông thì sao?

Việc xây dựng đề án phát triển nuôi và xuất khẩu cá rô phi là rất cần thiết. Đề án cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt cho công tác phát triển giống, công nghệ nuôi và dự báo thị trường…

>> “Chắc chắn có thể đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu cá rô phi. Hiện nay thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn. Năm 2014, Mỹ nhập khẩu 600.000 tấn, giá trị hơn 1 tỷ USD, giá hơn 7,5 USD/kg; fillet đông lạnh 4,5 USD/kg. Để xuất khẩu mạnh thì cần nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, quy hoạch vùng nuôi và chế biến, tập trung cho nghiên cứu ứng dụng, sản xuất giống tập trung và đảm bảo chất lượng” – TS Nguyễn Hữu Ninh.

An Nhung (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!