Hồ tôm xâm lấn khiến dòng sông Phú Thọ đoạn qua địa phận xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) bị thu hẹp dần. Tàu thuyền cũng vì thế mà bị mắc cạn, không thể ra khơi…
Bị mắc cạn đã hơn 15 ngày ngay tại khúc sông Phú Thọ ngang qua địa phận thôn Tân An, xã Nghĩa An, chiếc tàu với công suất 450 CV của ngư dân Lê Viết Phương, đến từ huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đành nằm ngay giữa lòng sông để chờ nước lên.
Lòng sông bị thu hẹp, khiến tàu thuyền mắc cạn.
Anh Phương cho biết: “Tôi lặn lội từ Thanh Hóa vào triền đà của ông Lê Văn Phượng để đóng tàu. Chiếc tàu này trị giá tới 3,5 tỷ đồng chứ đâu phải ít ỏi gì. Thế mà lại phải phơi nắng ở đây chỉ vì mấy cái hồ tôm lấn chiếm lòng sông”.
Không riêng gì chiếc tàu chưa kịp ra khơi đã bị nằm bờ của anh Phương, mà chiếc tàu công suất 410 CV của ngư dân Nguyễn Văn Dũng, ngụ ở xã Nghĩa An cũng đang bị mắc cạn. Mấy ngày nay, anh Dũng đứng ngồi không yên khi chiếc tàu mang theo cả cơ nghiệp của gia đình anh giờ bị mắc cạn và nghiêng hẳn sang một bên.
Ngay tại khúc sông mà chiếc tàu bạc tỷ mắc cạn là hàng loạt hồ tôm lấn ra ngay giữa lòng sông, khiến tàu thuyền rất khó khăn khi ra vào. Không chỉ xâm lấn luồng lạch mà mỗi lần cải tạo hồ để vào vụ mới, người nuôi tôm lại vô tư đổ lớp cát cũ ra giữa dòng sông, khiến lòng sông Kinh ngày càng bị bồi lấp nghiêm trọng.
Nhiều đoạn bị xâm lấn nặng, khiến việc ra vào luồng lạch của gần 400 chiếc tàu của ngư dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Hồ tôm không chỉ là “chướng ngại vật” đối với các chủ tàu, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến dịch vụ hậu cần nghề cá tại Nghĩa An.
Cách đây 3 năm, hai cơ sở sản xuất nước đá của ông Trần Đình Sơn và Nguyễn Văn Ngọc buộc phải đóng cửa khi tàu thuyền vì sợ mắc cạn mà không mặn mà vào bến.
Ngay cả triền đà của ông Lê Văn Phượng – một cơ sở đóng tàu đang ăn nên làm ra cũng vì hồ tôm mà vạ lây. Theo ông Phượng, từ khi hồ tôm lấn dần sông gây cản trở giao thông đường thủy, thì số lượng tàu đến đóng mới và sửa chữa tại triền đà của ông giảm hẳn, chỉ bằng 1/10 so với trước đây.
Tình trạng xâm lấn đoạn sông Phú Thọ ngang qua địa phận xã Nghĩa An đã diễn ra nhiều năm nay, khiến môi trường tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bao nhiêu chất thải từ hồ nuôi, người dân thẳng tay đổ hết ra sông. Với số lượng hàng chục hồ tôm lấn chiếm lòng sông, số lượng cát bẩn hàng năm đổ ra môi trường là rất lớn. Không chỉ bồi lấp và ô nhiễm bởi hồ tôm, tình trạng người dân chăn nuôi gia súc, xả thải thẳng ra sông cũng là một trong những nguyên nhân khiến dòng sông Phú Thọ ngày càng ô nhiễm.
Tình trạng sông Phú Thọ bị xâm lấn, khiến cho việc ra vào của tàu thuyền ngày càng khó khăn. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm do các chất thải từ chăn nuôi đổ trực tiếp ra sông cũng là một thực trạng cần sớm giải quyết để trả lại môi trường sạch cho sông Phú Thọ.