Với dáng hình chữ U khúc quanh uốn lượn mềm mại, dòng sông Saar nổi tiếng ở Đức đã xuất hiện trong nhiều áng văn xuôi và thơ tình với tên gọi lãng mạn: “Chiếc khuy áo” hay “Chiếc kẹp tóc vàng của nước Đức”.
Sông Saar nằm ở phía Đông Bắc nước Pháp và phía Tây nước Đức, bên phải cửa sông Moselle; có chiều dài 246 km (126 km thuộc Pháp, 120 km thuộc Đức). Mặc dù phần sông Saar thuộc Đức đã được cải tạo thành đường thủy qua nạo vét, xây cống và mương nhưng con sông không phải là tuyến giao thông quan trọng, bởi vậy Saar vẫn giữ được vẻ yên bình để du khách tới đây tận hưởng giây phút thư thái, trong lành.
Saar khởi nguồn từ núi Vosges trên biên giới Alsace và Lorraine nước Pháp; sau đó chảy về phía bắc qua miền Tây nước Đức để hợp lưu với sông Mosel gần thành phố Trier. “Dừng chân” tại Đức, Saar như suối tóc mơ màng, uốn lượn, trải dài tới Hunsruck – một dãy núi thấp có cấu tạo từ đá quartzit (loại đá biến chất từ cát kết thạch anh). Do đá ở khu vực này rất cứng nên con sông không thể tạo ra một dòng chảy xuyên qua mà quay ngược dòng 180 độ, tạo nên một khúc quanh hình chữ U tuyệt đẹp dưới chân các dãy núi.
Saar nằm tại đô thị Mettlach thuộc quận Merzig-Wadem, vùng Saarland, Đức. Do đó du khách có thể tìm đến Saar bằng hai đường bay từ Frankfurt hoặc Luxemburg.
Là một trong những con sông nổi tiếng, Saar sở hữu cảnh đẹp thần tiên và được nhiều du khách trên thế giới yêu thích. Nơi đẹp nhất để ngắm nhìn toàn cảnh Saar là Cloef – một địa điểm được xây dựng để phục vụ du khách tham quan, có tầm nhìn cách khúc quanh huyền thoại của Saar khoảng 180 m. Từ trên cao, đoạn sông có dáng hình như một chiếc kẹp tóc xinh đẹp, uốn cong điệu đà.
Ngoài ra, một trong những điểm thu hút khách du lịch khi đến với Saar là tòa lâu đài Montclair đổ nát có niên đại từ thế kỷ 12 và câu chuyện về nỗi ám ảnh cay đắng của chỉ huy Đức Steinmetz trong trận đánh lớn Pháp – Đức năm 1870. Khi đó, Tổng tham mưu trưởng Đức Helmuth Graf von Moltke lên kế hoạch rất kỹ càng về việc tập trung quân đoàn số 1, 2 thành đội yểm trợ phía Bắc bờ sông Saar, trong khi quân đoàn 3 đánh bại quân đoàn của Pháp ở Alsace. Tuy nhiên ngày 5/8/1870, chỉ huy Steinmetz đã tự ý làm trái quy định và đưa quân vượt sông Saar với mục đích hỗ trợ đoàn quân số 2 bằng cách dụ quân Pháp tấn công dữ dội vào mình. Theo lịch sử ghi lại, hành động này của Steinmetz đã khiến quân đội Đức lâm vào thảm kịch ngoài ý muốn, và Bộ Tư lệnh đã cảm thấy hối tiếc về việc bổ nhiệm Steinmetz. Cũng từ đó, Saar đã trở thành nỗi ám ảnh cay đắng trong sự nghiệp cầm quân của Steinmetz và còn lưu truyền mãi đến ngày nay.