(TSVN) – Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Thời gian qua, Nhà nước, các doanh nghiệp, cộng đồng, các bên liên quan đều nỗ lực trong công tác bảo tồn tài nguyên, môi trường biển nhằm phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Việt Nam có 28 tỉnh, thành ven biển, với bờ biển dài 3.260 km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các đảo quốc và lãnh thổ trên thế giới. Biển Đông là cầu nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nằm trên ngã tư của tuyến hàng hải và hàng không quốc tế. Diện tích biển của Việt Nam chiếm khoảng 29% diện tích biển Đông (gần 1 triệu km2), rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền. Biển Đông chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu khí. Ở Việt Nam, nguồn dầu khí đã thăm dò, khảo sát có trữ lượng khoảng 3 – 4 triệu tấn dầu quy đổi, cùng với nguồn tài nguyên du lịch ven biển đảo phong phú. Đó là những tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là các ngành khai thác khoáng sản, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, phát triển du lịch, các ngành kinh tế biển mới…
Trong chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; Ảnh: ST
Các ngành kinh tế biển mới như điện mặt trời trên biển, điện sóng biển, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển (dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển) đều là những ngành sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hoặc sử dụng tài nguyên tái tạo. Các ngành kinh tế biển mới có giá trị hàm lượng khoa học, kỹ thuật cao hướng tới tăng trưởng bền vững được đánh giá là điểm đột phá của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế biển xanh.
Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, Cụ thể: Phát triển kinh tế biển gắn với khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển; phát triển các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường; thành lập quỹ thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Trước yêu cầu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy hoạch, tham mưu Chính phủ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết quan trọng, cấp thiết, mang tính thời đại của Đảng trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước liên quan đến biển, đảo diễn biến phức tạp. Xuyên suốt Nghị quyết là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Nghị quyết đề ra 5 chủ trương lớn về phát triển kinh tế biển và ven biển, 3 khâu đột phá, 7 nhóm giải pháp chủ yếu thể hiện những vấn đề, mục tiêu ưu tiên cần thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy, hải sản. Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, Quy hoạch biển quốc gia đã có những phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển, cần thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.
Cùng với đó, Luật Tài nguyên biển và hải đảo, Luật Thủy sản đã được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương cố gắng phổ biến, tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng đánh bắt hải sản. Thực hiện Luật Biển Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP, hiện nay được thay thế bởi Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 4/6, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, từ Nghị quyết 36, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ về quy hoạch không gian biển quốc gia. Bên cạnh đó, quy hoạch các vùng, các địa phương cũng đã được lồng ghép tổ chức thực hiện. Ngoài các khu bảo tồn đa dạng, phải rà soát các khu vực bảo vệ gắn với bảo tồn; rà soát các rừng ngập mặn sử dụng đa mục đích theo hướng vừa bảo tồn vừa phát triển, vừa sản xuất nông nghiệp vừa nuôi trồng thủy, hải sản.
Đồng thời, theo Bộ trưởng Khánh, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tập trung vào quy hoạch không gian biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có định hướng nuôi trồng thủy hải sản ở vùng biển xa, thời gian tới cố gắng giảm tỉ trọng đánh bắt thay vì đánh bắt với sản lượng lớn và “hủy diệt” như hiện nay.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung như: Bám sát nội dung, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong năm 2025, hoàn thành việc khảo sát, đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi; tổng kết việc thi hành và đề xuất việc sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Cùng đó, tập trung triển khai có hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất…
Hồng Hạnh
Có thể nói, các quy định của Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về biển và hải đảo; giúp từng bước khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo; phục vụ phát triển bền vững biển và hải đảo.